Rắn biển phân bố nhiều vùng nhiệt đới, á nhiệt đới của biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương từ vùng biển Tây của Châu Phi đến vùng vịnh Panama. Hầu hết các loài được tìm thấy ở vùng biển Indonesia, Malaysia, biển Trung Quốc và vùng biển Úc; Chúng sống ở các vùng nước cạn ven bờ biển, xung quanh các đảo, các vùng đầm lầy, vùng cửa sông. Thức ăn của rắn biển phần lớn là cá và một ít thích ăn trứng cá, một loài duy nhất ăn động vật giáp xác và thân mềm (Voris, 1972; Voris và Voris, 1983; McCosker in Dunson, 1975; Rasmussen, 1989, 1993); rắn biển trong giống Laticauda đẻ trứng, trong khi đó các loài rắn biển khác đẻ con; hình dạng đặc trưng nhất của rắn biển là đuôi dẹp như mái chèo.
Rắn biển là nguồn thực phẩm và được xem như thực phẩm chức năng bởi vì các lợi ích về sức khỏe: tăng tính cường dương, giảm viêm khớp, giảm các bệnh về da và tăng cường sức khỏe cho phụ nữ trong quá trình mang thai. Phần lớn rắn biển được xuất khẩu sang Trung Quốc, một số ít tiêu thụ trong các đô thị lớn của Việt Nam (Cao và cs, 2014), và gần như các bộ phận của rắn biển điều được sử dụng: thịt thì nấu cháo hoặc xào; da chiên dòn; máu thì pha với rượu để uống nhằm tăng tính cường dương; tim và túi mật được xem là thần dược mạnh và cả con rắn cũng được ngâm trong rượu gạo để uống như một loại thuốc truyền thống nhằm trị bệnh thấp khớp. Rắn biển cũng là nguồn thuốc để sản xuất thuốc “Rheumatin” và cao đông cô để chữa bệnh thấp khớp, đau lưng, biếng ăn, mất ngủ và tăng cường sức khỏe gân cốt.
Hiện nay, nguồn lợi rắn biển đã suy giảm nghiêm trọng, thống kê từ 2008 ở Việt Nam cho thấy khoảng 82 tấn nhưng đến năm 2013 còn khoảng 62 tấn (Cao và cs, 2014), năm 2015 khoảng 35 tấn, nếu tình trạng khai thác này vẫn tiếp tục diễn ra, tương lai không xa sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn rắn biển và dĩ nhiễn cũng mất đi nguồn dược phẩm quý cho nhân loại.
Những nỗ lực để tăng cường bảo tồn các loài rắn biển nên bao gồm: xây dựng năng lực cho các cơ quan, tập huấn cho sinh viên, nhà quản lý, phát triển cơ sở dữ liệu về thương mại và các hình thức khác như giá trị sử dụng, rắn cắn, trao đổi thông tin chung giữa người thu mua rắn biển, các nhà quản lý, nhà chế biến, và cuối cùng xem xét lại luật pháp đánh bắt, chương trình nâng cao nhận thức để phát triển bền vững nguồn lợi rắn biển.
Cuốn sách này cập nhận những thông tin trên, bổ sung thêm một loài, Hydrophis torquatus vào danh mục rắn biển Việt Nam so sánh với danh mục rắn biển Việt Nam đã xuất bản trước (Rasmussen và cs 2011), nâng tổng số lên 26 loài cho vùng biển Việt Nam. Chúng tôi cũng đưa loài rắn rầm ri hạt Acrochordus granulatus không độc vào nội dung cuối của cuốn sách bởi vì loài này thỉnh thoảng cũng bị nhầm lẫn với rắn biển mặc dù đuôi nó không dẹp.
Poster Rắn biển Việt Nam