Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) trực thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) được thành lập năm 1960, gồm 148 nước thành viên (tính đến ngày 11/2/2016), nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp trong các chương trình nghiên cứu, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường biển, xây dựng năng lực nhằm nâng cao chất lượng quản lý và hoạch định chính sách, khuyến khích nghiên cứu khoa học, tăng cường sự hiểu biết các vấn đề có liên quan đến tự nhiên và các nguồn tài nguyên của đại dương, thông qua các hoạt động của các thành viên.

ioc unesco


Các Tiểu ban khu vực

Tiểu ban IOC khu vực Châu Phi và các đảo quốc lân cận (IOCAFRICA)
Tiểu ban IOC khu vực Caribe và các vùng lân cận (IOCARIBE)
Tiểu ban IOC khu vực Tây Thái Bình Dương (WESTPAC)

Các Ủy ban khu vực
Ủy ban IOC khu vực Trung tâm Ấn Độ Dương (IOCINDIO)
Ủy ban IOC khu vực Biển Đen (BSRC)

Văn phòng các chương trình khu vực
Văn phòng Chương trình khu vực Rio, Brazil
Văn phòng Chương trình khu vực Perth, Australia

Văn phòng các dự án
Trung tâm Thông tin Sóng thần vùng Caribe (CTIC), Bridgetown, Barbados
Văn phòng Dự án Argo (JCOMMOPS), Toulouse, Pháp
Văn phòng Dự án HAB, Vigo, Tây Ban Nha
Văn phòng Dự án IODE, Ostend, Bỉ
Trung tâm Thông tin Sóng thần Ấn Độ Dương (IOTIC), Jakarta, Indonesia
Mạng lưới Thông tin và Dữ liệu Biển khu vực Châu Phi (ODINAfrica)
Hệ thống cảnh báo sớm các tai biến quốc gia Oman (NMHEWS), Muscat, Oman
Hệ thống quản lý tai biến ở Haiti (SNGRD), Port au Prince, Haïti

Mục tiêu và chức năng của UB Hải dương học Liên Chính Phủ
Mục tiêu
IOC là một tổ chức mang tính chất tự trị (Autonome) về chức năng trong UNESCO thuộc Liên hiệp quốc, được thành lập nhằm các mục tiêu sau:
1. Thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và phối hợp các chương trình nghiên cứu khoa học, các dịch vụ kỹ thuật, quan trắc, tăng cường tiềm lực nhằm nâng cao kiến thức, tri thức về các đại dương, các vùng ven biển, ứng dụng các kiến thức đó phục vụ phát triển bền vững.
2. Hợp tác với các tổ chức quốc tế có quan tâm tới các hoạt động của IOC. Tổ chức hợp tác chặt chẽ với các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc, sẵn sàng góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với chức năng của IOC, tiếp nhận các khuyến cáo và sự hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về đại dương và các vùng ven biển, các dịch vụ kỹ thuật, quan trắc biển và tăng cường tiềm lực.

Chức năng
1. Khuyến cáo, thúc đẩy, xây dựng kế hoạch, phối hợp các chương trình khoa học quốc tế về nghiên cứu và quan trắc các đại dương, các vùng ven biển cũng như truyền bá và khai thác các kiến thức, tri thức đã thu được.
2. Khuyến cáo, thúc đẩy và phối hợp soạn thảo các tài liệu cơ bản, các định hướng và các danh pháp trong lĩnh vực khoa học hải dương.
3. Đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS), Hội nghị Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) và từ các công cụ quốc tế khác có liên quan đến nghiên cứu khoa học biển, các dịch vụ liên quan và tăng cường tiềm lực.
4. Xây dựng các khuyến cáo và phối hợp hoạt động các chương trình trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và trợ giúp về khoa học biển, quan trắc đại dương và các vùng ven biển, cũng như chuyển giao công nghệ liên quan.
5. Xây dựng các khuyến cáo và những hướng dẫn kỹ thuật cho các hoạt động liên lĩnh vực (intersectorial) thích hợp của UNESCO và đảm nhiệm các hoạt động được thoả thuận trong khuôn khổ nhiệm vụ của IOC.
6. Trong việc thực hiện các chức năng của IOC, tổ chức này có sự quan tâm đến các nhu cầu, lợi ích của các nước đang phát triển, và đặc biệt là đến sự cần thiết phát triển các phương tiện của các nước này trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, dịch vụ và quan trắc đại dương, các vùng ven biển, cũng như các công nghệ liên quan.
7. Trong Cương lĩnh này của IOC không có một điều khoản nào bao hàm một quan điểm của tổ chức này về tính chất và phạm vi tài phán của các quốc gia ven biển nói chung và một quốc gia ven biển nào nói riêng. IOC không đóng vai trò, chức năng trong việc quản lý Biển và Đại dương.

Tổ chức của IOC
Các nước thành viên
Tất cả các quốc gia trong tổ chức Liên hiệp quốc đều có thể là thành viên IOC, nếu có nguyện vọng. Thành viên IOC không nhất thiết phải là thành viên 1 tổ chức nào của Liên hiệp quốc (như UNESCO). Thể thức của việc gia nhập và rút khỏi Tổ chức IOC được qui định trong điều lệ. Cho tới ngày 11/2/2016, tổ chức IOC đã có 148 nước thành viên, đều là thành viên của Liên hiệp quốc và UNESCO, trừ một số ít nước rút ra khỏi UNESCO, nhưng không rút ra khỏi IOC.

Danh sách các nước thành viên tham khảo tại đây: 

http://www.unesco.org/new/fileadmin/MULTIMEDIA/HQ/SC/pdf/IOC_MemberStates_Feb2016.pdf 

Các cơ quan của IOC
IOC có một Đại hội đồng (Assembly), Hội đồng Chấp hành (Executive Council), Ban Thư ký (Secretariat) và các Cơ quan phụ trợ (Subsidiary bodies) như IOC khu vực….

Tài chính
Kinh phí cho các hoạt động của IOC được cấp từ các nguồn sau: ngân sách kế hoạch do Đại hội đồng UNESCO cấp; đóng góp của các nước thành viên IOC, nhưng không phải thành viên UNESCO (như Mỹ); đóng góp hỗ trợ của các nước thành viên IOC hoặc các nước thành viên Liên hiệp quốc hoặc các nguồn kinh phí khác đóng góp tự nguyện vì các lý do khác nhau; các nước thành viên tham gia các hoạt động, các chương trình khoa học, dịch vụ, quan trắc, các dự án của IOC tự lo kinh phí cho hoạt động của mình. IOC không phải là cơ quan cấp kinh phí cho các hoạt động của các nước thành viên, các chương trình...

Quan hệ với các tổ chức khác
IOC có quan hệ hợp tác với các tổ chức của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác, nếu lợi ích phù hợp với các mục tiêu hoạt động của IOC. Ngược lại, IOC cũng sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức quốc tế khác đáp ứng các mục tiêu hoạt động của các tổ chức hợp tác.

Những đặc điểm cơ bản của IOC
1. IOC là tổ chức khoa học thành viên của UNESCO, song cũng là tổ chức về Hải dương học chuyên trách duy nhất của Liên hiệp quốc. Với tầm quan trọng đặc biệt của đại dương và biển cũng như các đặc thù và mối quan hệ của hoạt động khoa học và công nghệ về hải dương học, khác với các tổ chức khác của Liên hiệp quốc, IOC được coi như một tổ chức tự trị (Autonome), có quyền tự quyết định về chương trình hoạt động, tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều hành, tự tạo nguồn kinh phí… không phụ thuộc vào UNESCO.
2. Quy chế nội bộ (Rules of Procedures) quy định thể thức làm việc của IOC, bao gồm cả Đại hội đồng, các Cơ quan phụ trợ, Ban thư ký, Hội đồng Chấp hành, thể thức bầu cử, các công việc trong các kỳ họp, quan hệ với các tổ chức khác. Quy chế nội bộ đã được xem xét, bổ sung và quyết định lại, tại kỳ họp 21 của Đại hội đồng năm 2001.
3. Bầu cử Ban lãnh đạo IOC được tiến hành theo cách bầu phiếu kín, mỗi quốc gia thành viên có một phiếu bầu. Việc bầu cử tiến hành với từng quốc gia thành viên bởi phiếu bầu. Trường hợp số người ứng cử vào mỗi chức vụ chỉ có 1 (thường xảy ra), Đại hồi đồng có thể bầu bằng cách vỗ tay tán thành. Việc bầu cử Hội đồng Chấp hành phức tạp hơn. Số lượng uỷ viên Hội đồng Chấp hành ấn định là 40. Số lượng này sẽ được phân phối cho từng nhóm bầu cử, theo Quy chế nội bộ, các nước thành viên IOC được phân thành 5 nhóm bầu cử theo vùng phân bố địa lý. Nhiệm kỳ của Ban lãnh đạo và Hội đồng Chấp hành là 2 năm. Các chức vụ đều có thể được tái cử nhưng không quá 2 lần. Việc bầu cử (theo phiếu kín) các chức vụ của IOC tuy được tiến hành công khai, nghiêm túc và thể thức, song không tránh khỏi có yếu tố chính trị, quan hệ quốc gia xen vào. Một số nước lớn mạnh, có tiềm lực khoa học, tài chính thường hay được bầu. Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Chấp hành IOC nhiệm kỳ 2001-2003.
4. Các xuất bản phẩm: IOC thường xuất bản các tài liệu phát hành miễn phí trong các nước thành viên, với nội dung: thông tin hoạt động IOC và các Tổ chức phụ trợ, các sách hướng dẫn nghiên cứu, các báo cáo Hội nghị, Hội thảo…Các xuất bản phẩm quan trọng là: IOC Technical Series, IOC Manual and Guides, IOC Workshop Reports, IOC Annual Report, Training course, Reports, Information Documents, Newsletters…
5. Tương lai của IOC: Nghị quyết về "Tương lai của IOC" đã nhất trí đề nghị các nước thành viên phải tuân thủ tôn chỉ, mục tiêu và chức năng của IOC như đã được Đại hội đồng (IOC) nhất trí thông qua từ năm 1960, tu chỉnh, bổ sung vào năm 1970, 1987 và nhất trí thông qua lần thứ hai vào năm 1999 (Nghị quyết IOC 30C/22). IOC phải tập trung hợp tác giải quyết các vấn đề theo quỹ đạo của Hải dương học: tập trung nâng cao vai trò hoạt động khoa học, dịch vụ và quan trắc đại dương. Không di chuyển, thay đổi vị trí của cơ quan lãnh đạo IOC/UNESCO. Tập trung cải tiến phương thức hoạt động với xu hướng hiện nay của IOC là rút ngắn thời gian các kỳ họp, giảm bớt giấy tờ, tổ chức hoạt động thực chất hơn, hiệu quả hơn và tập trung xung quanh các vấn đề theo quỹ đạo Khoa học Hải dương học.

Chiến lược của IOC
Chiến lược trung hạn trong giai đoạn 2014-2021
Tầm nhìn
Hiểu biết sâu về mặt khoa học và quan trắc có hệ thống sự biến đổi của khí hậu và các hệ sinh thái của đại dương trên thế giới sẽ là những cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững và quản lý trên quy mô toàn cầu với mục đích duy trì một đại dương khỏe mạnh và quản lý các rủi ro và cơ hội từ đại dương trên quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia.
Đặc biệt hơn, thông qua hợp tác quốc tế, IOC mong muốn giúp các nước thành viên của mình đều đạt được các mục đích ở mức độ cao (high-level objectives - HLOs) sau đây, đặc biệt lưu ý đến việc đảm bảo rằng tất cả các nước thành viên đều có khả năng đạt được:

1. Các hệ sinh thái đại dương khỏe mạnh và các dịch vụ bảo dưỡng các hệ sinh thái một cách bền vững
Phát triển các công cụ chỉ thị về hiện trạng của đại dương và xác định các điểm mấu chốt liên quan đến chức năng hệ sinh thái biển rất quan trọng trong việc cảnh báo hoặc cảnh báo sớm các biến đổi hiện trạng các hệ sinh thái, và trong việc đánh giá khả năng hồi phục của các hệ sinh thái. Những kiến thức này cộng với những công cụ phân tích sẽ rất có giá trị trong việc quản lý đại dương nói chung, và giao việc quản lý cho từng bộ phận riêng lẻ theo một cách tiếp cận dựa vào các hệ sinh thái. Những năng lực tại địa phương hay trong khu vực, trong lĩnh vực kiến thức và công cụ, cũng đều là những yếu tố chính để hiểu được một hệ sinh thái có thể bị áp lực như thế nào trước khi nó chuyển sang một trạng thái khác mà việc phục hồi nó có thể sẽ khó hơn. Những nghiên cứu về vấn đề này hiện nay còn rất rời rạc và cần có sự phối hợp.

2. Những hệ thống cảnh báo sớm và sự chuẩn bị sẵn sàng một cách có hiệu quả để đối phó với sóng thần và tai biến thiên nhiên liên quan đến đại dương
Mục tiêu tối thượng của HLO này là giải thoát nguy cơ rủi ro, bằng cách khuyến khích cộng động thực hiện các biện pháp giảm thiểu một cách có hiệu quả và tăng cường nhận thức về các mối nguy hiểm mà họ đang phải đối mặt. Vì các hoạt động phát triển tại các khu vực ven biển vẫn tiếp tục gia tăng rất nhanh, nên các khu vực này trở nên ngày càng dễ bị tổn thương bởi lũ lụt ven bờ và các hiện tượng mực nước biển cực đoan ví dụ như sóng thần. Việc đảm bảo rằng các quốc gia đã tiếp cận được những thông tin cần thiết để xây dựng các kế hoạch ứng phó cho vùng ven bờ biển và tiến hành các hoạt động bảo vệ an toàn và bảo đảm trong các hệ sinh thái biển, phụ thuộc vào sự tiến triển không ngừng trong việc vận hành các hệ thống quan trắc đại dương và sóng thần, những cải tiến các mô hình hệ thống khí hậu, dịch vụ đại dương và phát triển các công cụ hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách của địa phương.

3. Tăng cường khả năng thích ứng đối với biến đổi khí hậu và nâng cao tính an toàn, tính hiệu quả và hiệu lực của tất cả các hoạt động dựa vào đại dương thông qua các dịch vụ, các chiến lược thích ứng và giảm thiếu có cơ sở khoa học.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố mà con người đang phụ thuộc vào, thay đổi các mô hình về lượng mưa và hiện tượng khô hạn, mực nước biển và xói lở bờ biển, hậu quả từ các biến đổi về nhiệt độ và sự axit hóa đại dương làm gia tăng áp lực lên các hệ sinh thái và ảnh hưởng tới các sản phẩm và dịch vụ mà các hệ sinh thái này mang lại. Vì vậy, các mục tiêu phát triển của con người bao gồm cả an ninh lương thực, tiếp cận với nguồn lợi từ biển, sự chuẩn bị sẵn sàng và thích ứng với các tai biến thiên nhiên sẽ bị đe dọa. Được biết là đại dương đóng vai trò chính trong khí hậu, vì vậy IOC sẽ giúp các nước thành viên của mình trong việc phát triển năng lực để bảo đảm các nước này phát triển và tăng cường các chiến lược thích ứng và giảm thiểu tác động của khí hậu dựa trên những tiến bộ của kiến thức khoa học.

4. Nâng cao kiến thức về các vấn đề khoa học biển cấp thiết
Phạm vi rộng lớn của các vấn đề môi trường cấp bách mới nảy sinh ví dụ như các chất gây ô nhiễm mới, các loài sinh vật ngoại lai, năng lượng tái tạo biển, việc mở rộng và tăng cường sử dụng các nguồn lợi biển, tác động tích tụ của các hoạt động hàng hải..., gây nguy hiểm cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững các không gian và hệ sinh thái biển. Một điều rất quan trọng là phải tăng cường hiểu biết của chúng ta về những trách nhiệm và phải thay đổi những gì đang diễn ra trong đại dương, kể cả ở những vùng biển sâu ngoài khơi. Vai trò của IOC là khuyến khích các nghiên cứu khoa học, các phân tích kỹ thuật và tổng hợp thông tin khoa học cần thiết để giải quyết có hiệu quả các vấn đề cấp bách nêu trên, đưa ra chính sách và các giải pháp tiên tiến một cách kịp thời và rõ ràng.

Chiến lược trung hạn trong giai đoạn 2008-2013

Chiến lược trung hạn trong giai đoạn 2008-2013 của IOC gồm 4 nhiệm vụ ưu tiên số một và 11 nội dung hoạt động có liên quan, là một phần của Chiến trược trung hạn trong giai đoạn 2008-2013 của UNESCO. Các nhiệm vụ ưu tiên bao gồm:
- Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của thiên tai: Với chương trình ưu tiên “Quản lý tổng hợp đới bờ - ICAM”, tập trung nghiên cứu, đề xuất các nguyên tắc chỉ đạo, sử dụng các hoạt động, các kinh nghiệm thực tiễn, xây dựng tiềm lực, tập trung đánh giá rủi ro và các phương pháp cảnh báo, giảm thiểu tác hại của thiên tai đối với vùng ven bờ biển trong quá trình quy hoạch và quản lý. Đặc biệt lưu ý đến hiện tượng siêu bão, sóng thần, nước dâng do bão…
- Giảm nhẹ những tác động do sự thay đổi khí hậu toàn cầu và thích nghi với nó: Với các hương trình ưu tiên: “Nghiên cứu khí hậu toàn cầu - WCRP”, “Khảo sát khí hậu đại dương - OOPC”, “Dự án phối hợp quốc tế về cácbonic trong đại dương - IOCCP”, “Chương trình axit hóa đại dương - Ocean Acidification”, “Nhóm công tác về vôi hóa san hô của IOC”, “Mạng lưới cảnh báo rạn san hô toàn cầu - GCRMN”, “Chương trình biến đổi hệ sinh thái đại dương toàn cầu - GLOBEC”. Các chương trình tập trung nghiên cứu dự báo thay đổi khí hậu và các hiệu ứng đối với xã hội loài người và các giải pháp giảm nhẹ và thích nghi với các quá trình thay đổi khí hậu.
- Giữ gìn thể chất của các hệ sinh thái đại dương: Với các chương trình ưu tiên: “Báo cáo và đánh giá hiện trạng môi trường toàn cầu, bao gồm cả các yếu tố kinh tế - xã hội - GRAME”, “Chương trình tảo gây hại - HAB”, “Chương trình sinh thái toàn cầu và hải dương học đối với tảo gây hại - GEOHAB”, “Mạng lưới đa dạng sinh học toàn cầu - OSS”, sẽ cung cấp thông tin, các hiệu ứng của các quá trình và ảnh hưởng, xây dựng tiềm lực…
- Thể thức và chính sách phục vụ quản lý bền vững môi trường và tài nguyên vùng ven bờ và đại dương: Với các chương trình quản lý tổng hợp sẽ đề xướng các tài liệu hướng dẫn quản lý theo các nguyên lý sinh thái học, các kỹ thuật tổ chức không gian trong quy hoạch phát triển.

Các chương trình và hoạt động chính hiện nay của IOC

Các chương trình và hoạt động chính hiện nay của IOC là: Khoa học Đại dương; Phát triển Năng lực; Sóng thần; Hệ thống Quan trắc Đại dương toàn cầu (GOOS); Ủy ban phối hợp kỹ thuật của WMO-IOC về Hải dương học và Khí tượng biển (JCOMM); Trao đổi Dữ liệu Hải dương quốc tế (IODE); Luật biển của IOC; Cacbon đại dương; Quản lý biển; Các chương trình khác của IOC (Đề án tảo gây hại - GEOHAB, Đề án vẽ bản đồ biển, Hệ thống quan trắc mực nước biển - GLOSS); và Xuất bản bản tin của IOC.

Địa chỉ liên hệ

7, place de Fontenoy 75352 Paris 07 SP France
1, rue Miollis 75732 Paris Cedex 15 France
General phone:
+33 (0)1 45 68 10 00
Website: www.unesco.org