Lịch sử hình thành và phát triển
Việt Nam là một trong 40 quốc gia đầu tiên tham gia thành lập Uỷ ban Hải dương học Liên Chính phủ (IOC) vào năm 1960. Đây là tổ chức quốc tế về hợp tác nghiên cứu biển và đại dương lớn nhất hành tinh. IOC là tổ chức khoa học thành viên của UNESCO, song cũng là tổ chức về hải dương học chuyên trách duy nhất của Liên hiệp quốc. IOC có mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, phối hợp tổ chức các chương trình nghiên cứu, các dịch vụ, kỹ thuật, giúp đỡ tăng cường tiềm lực, đẩy mạnh sử dụng các kiến thức về hải dương học vào việc quản lý, phát triển bền vững các biển, đại dương, hải đảo và vùng ven bờ. Tất cả mọi hoạt động của IOC đều phải tuân thủ cương lĩnh và quy chế đã được Đại Hội đồng IOC/UNESCO thông qua. Đặc biệt, trong việc thực hiện các chức năng của mình, IOC luôn có sự quan tâm đến các nhu cầu, lợi ích của các nước đang phát triển và đặc biệt chú ý đến một số lĩnh vực như nghiên cứu khoa học về biển, quan trắc đại dương, hải đảo và các vùng bờ, cũng như các công nghệ, dịch vụ liên quan.
Ngày 17 tháng 7 năm 1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 173-CT về việc thành lập các Uỷ ban quốc gia về các chương trình khoa học kỹ thuật của UNESCO, trong đó có Ủy ban Quốc gia về Chương trình của Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (Commission Océanographique Intergouvernementale, COI), do Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì.
Ngày 18 tháng 3 năm 2013, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam ra Quyết định số 143/QĐ-UBQG UNESCO về việc ban hành “Quy chế hoạt động của Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ Việt Nam”.
Tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của IOC VN, chúng tôi xin trích đăng giới thiệu bài viết của PGS. TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Chủ tịch IOC VN giai đoạn 2002-2012, xuất bản trong cuốn “Kỷ yếu Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam: 35 năm hoạt động và phát triển”, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập (15/6/1977-15/6/2012) với tiêu đề “Ủy ban Quốc gia Chương trình Hải dương học Liên chính phủ (IOC VN) với sự phát triển và ổn định của Việt Nam trên Biển Đông”.
“IOC VN là Chương trình khoa học về Biển và Đại dương, trực thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, được tái thành lập theo quyết định 173/CT do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký ngày 17/7/1986. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập UNESCO VN, 25 năm ngày tái thành lập IOC VN, chúng tôi muốn chia sẻ một vài kinh nhiệm và kết quả hoạt đông của IOC VN trong những năm qua, đặc biệt trong 25 năm gần đây (1986-2011) về 3 lĩnh vực hoạt động cơ bản của IOC/UNESCO: thứ nhất là nghiên cứu hải dương học, thứ hai là triển khai các dịch vụ và kỹ thuật, thứ ba là tiến hành quan trắc đại dương, biển, hải đảo và vùng bờ. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết số 09/NQ-TW, ngày 9/2/2007, về chiến lược biển và nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam trên Biển Đông".
1. Thực hiện hiệu quả vai trò đầu mối quốc gia trong triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học, dịch vụ, kỹ thuật, quan trắc biển, các hải đảo và vùng ven bờ
Ngay trong những năm tám mươi của thế kỷ XX, trong Chương trình "Thiết lập hệ thống trạm do mực nước toàn cầu” (GLOSS), IOC VN với sự tham gia của các cơ quan: Khí tượng Thuỷ văn, Ban Biên giới…đã đề xuất 3 trạm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, gồm trạm Quy Nhơn - nằm ở vùng ven bờ, 2 trạm ở Trường Sa và Hoàng Sa - nằm ở vùng khơi, ứng với hai trạm khí tượng của Việt Nam đã được xây dựng từ năm 1949. Trạm Quy Nhơn (số hiệu 75) đã được xếp vào loại 1, được sự hỗ trợ của IOC, Ấn Độ đã cung cấp một máy đo mực nước, hoạt động trong khuôn khổ chương trình GLOSS.
IOC VN đã tích cực tham gia Chương trình “Biên vẽ bản đồ độ sâu vùng biển Tây Thái Bình Dương” (IBCWP). Ngay từ khi khởi đầu, ý thức được ý nghĩa khoa học và chính trị của Chương trình, Việt Nam đã chủ động nhận chủ trì các mảnh 3.1; 3.6; 3.11; 3.12 và 3.16, bao phủ hầu hết vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và một phần Biển Đông. Trong quá trình thực hiện, Ban biên tập đã có điều chỉnh theo ý kiến của các nước trong khu vực, giao Việt Nam chủ trì 2 mảnh 3.6; 3.11 (đi qua vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa), còn 2 mảnh 3.16; 3.12 chuyển cho Malaysia và Philippin. Mảnh 3.1 Việt Nam có thể phối hợp thực hiện với Trung Quốc (qua Vịnh Bắc Bộ). Với sự hợp tác của Cục Bản đồ Nhà nước, Đoàn đo đạc bản đồ Hải Quân, Viện Khoa Học & Công nghệ Việt Nam đã hoàn thành biên vẽ các mảnh bản đồ 3.11; 3.6 đúng quy định, đạt chất lượng cao. Sau khi nghiệm thu (1996, 1999) đã được trưng bày ở hội thảo về Chương trình IBCWP ở Hàng Châu, Trung Quốc vào các năm 2000 và 2004.
Việt Nam còn tích cực tham gia các chương trình như: “Tảo gây hại” (HABs), “Quan trắc các rạn san hô toàn cầu” (GCRMN), “Trao đổi dữ liệu hải dương quốc tế” (IODE), “Hợp tác khảo sát Vịnh Thái Lan”...Trong ba năm gần đây, 2008-2011, Việt Nam đã tham gia ban điều hành 6 trong 9 dự án khu vực IOC/ WESTPAC. Đó là các dự án: "Nở hoa của tảo gây hại ở vùng Tây Thái Bình Dương "; "Viễn thám trong quản lý tổng hợp vùng bờ"; "Ứng phó với các nguy cơ ở vùng biển do thay đổi khí hậu vùng Tây Thái Bình Dương"; "Trầm tích sông đổ ra Biển Đông"; "Đa dạng sinh học vùng biển ven bờ và bảo tồn ở Tây Thái Bình Dương”; "Rạn san hô dưới tác động của khí hậu và nhân sinh". Có một số dự án đã tiến hành khảo sát thực địa và nghiên cứu tại vùng biển và ven bờ Việt Nam. Các dự án IOC/WESTPAC đã đánh giá cao về sự hợp tác và năng động của các cơ quan quản lý, của UNESCO, của các nhà hải dương học Việt Nam.
2. Tổ chức, thúc đẩy các hoạt động tư vấn, truyền thông, đào tạo nguồn lực phục vụ nghiên cứu, điều tra, khai thác, quản lý và phát triển ở Biển Đông
Hàng năm, cùng với các cơ quan khoa học trong nước, IOC VN đã đề cử, tạo điều kiện cho cán bộ khoa học về biển tham gia hàng chục các hội nghị, hội thảo khoa học, các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ như các Hội nghị khoa học hải dương học do IOC, IOC/WESTPAC tổ chức, các lớp đào tạo nghiệp vụ, được các nước thành viên IOC tài trợ kinh phí, như các lớp đào tạo về “Quản lý dữ liệu biển”; “Nâng cao kỹ năng vẽ bản đồ độ sâu”; “Mô hình hoá trong nghiên cứu biển”; “Sử dụng các thiết bị nghiên cứu, điều tra biển”; “Quản lý tổng hợp vùng bờ”; “Quy hoạch sử dụng không gian biển và đại dương”; “Nghiên cứu quá trình ô nhiễm biển và giải pháp khắc phục”; “Các giải pháp thích ứng với tai biến thiên nhiên, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu”…
IOC VN đã tập trung và nỗ lực thực hiên công tác tư vấn phát triển, quản lý các ngành kinh tế biển, ứng phó với tai biến thiên nhiên, xử lý ô nhiễm, đáp ứng các nhu cầu của nhà nước, của quốc tế và của các địa phương. IOC VN đã phối hợp với Sở KH&CN Đà Nẵng triển khai có kết quả Dự án “Các giải pháp quản lý phát triển bền vững một số ngành kinh tế biển quan trọng ở thành phố Đà Nẵng”. Đã phối hợp với các tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước khảo sát, nghiên cứu thực tế và đề xuất, tư vấn một số định hướng, giải pháp theo yêu cầu quản lý và phát triển như: “Vai trò đa dạng sinh học ở nước ngọt và biển trong phát triển bảo tàng tự nhiên ở Việt Nam”; “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa khoa học và quản lý trong tiếp cận quản lý tổng hợp đới bờ ở Việt Nam”; “Vấn đề an ninh sinh thái ở Biển Đông”; “Phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam: vấn đề và triển vọng”; “Về xây dựng khu kinh tế biển Mỹ Thủy - Đông Nam Quảng Trị”; “Đánh giá trạng thái và xu thế bền vững trong phát triển kinh tế ở vùng Đông Nam Bộ”; “Hệ thống thông tin địa lý trong phân vùng chức năng và quy hoạch phát triển vùng biển và hải đảo ở bán đảo Cà Mau”; “Đánh giá tác động biến đổi khí hậu đối với dải ven bờ Khánh Hòa: những tiếp cận thích ứng và ứng phó”; “Lượng giá những điều kiện nền tảng phát triển kinh tế biển ở Phú Yên”; “Vai trò của các hệ sinh thái và vấn đề kinh tế bảo tồn sinh thái biển, đảo cho sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi và miền Trung”; “Đánh giá các giá trị tài nguyên, nguồn lợi và “khả năng tự làm sạch” của các thuỷ vực ven biển Nam Trung bộ”; “Lượng giá những điều kiện nền tảng phát triển kinh biển Việt Nam”; “Các giá trị cảnh quan và văn hoá biển trong phát triển kinh tế vũng, vịnh ven bờ Việt Nam”; “Tố chức khai thác sử dụng không gian Biển Đông phát triển bền vững”; “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khai thác, quản lý Biển Đông trong thời kỳ hội nhập quốc tế”; “Về vấn đề xây dựng Bộ luật biển, Bộ luật quản lý vùng bơ”; “Hội UNESCO Khánh Hoà với hoạt động đối ngoại nhân dân”…
3. Nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam trong phát triển hải dương học, dịch vụ, quan trắc biển, các đảo, vùng bờ và an ninh chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông
Trong các hoạt động, IOC VN đã rất kiên quyết với những vấn đề có tính nguyên tắc về bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. IOC VN đã có ý kiến, quan điểm rõ ràng về các hoạt động khoa học, dịch vụ, quan trắc trên Biển Đông. Về việc chủ trì biên vẽ các mảnh bản đồ độ sâu ở Biển Đông (dự án IBCWP), Việt Nam được quốc tế phân công là nước chủ trì biên vẽ hai mảnh bản đồ độ sâu 3.6 và 3.11. Cho tới nay lập trường về chủ quyền biên vẽ 2 mảnh bản đồ 3.6, 3.11, có thể hợp tác với Trung Quốc về mảnh bản đồ 3.1 vẫn được UBQG IOC Việt Nam kiên trì giữ vững, không thay đổi.
Trong các hoạt động hợp tác, IOC VN cũng đã thể hiện vai trò và vị thế của mình là đại diện của một “Quốc gia biển”. Chính phủ Việt Nam đã quyết định IOC VN làm nòng cốt về xây dựng nội dung cũng như đóng góp vào các hoạt động tham gia Năm Quốc tế về Đại dương - 1998, với chủ đề: “Đại dương - Di sản chung của nhân loại”. Một số hoạt động chủ yếu có sự tham gia hoặc chủ trì của IOC VN là: tham gia triển lãm đại dương quốc tế EXPO-98 ở Bồ Đào Nha từ tháng 5-10 năm 1998. Phát hành tem Việt Nam hưởng ứng Năm Quốc Tế về Đại Dương. Tổ chức các Hội nghị Khoa học biển toàn quốc lần thứ IV, các Hội thảo khoa học về hải dương học ở Việt Nam. Tổ chức ký “Hiến Chương về Đại dương” do IOC/UNESCO công bố. Các hoạt động của Việt Nam, đặc biệt là gian Việt Nam trong triển lãm EXPO-98 tại Bồ Đào Nha rất được dư luận chú ý và đánh giá cao. Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về "Tài nguyên môi trường ven biển" (Hà Nội, 1992); Hội nghị Toàn cầu lần thứ 4 về Đại dương, Vùng bờ và Hải đảo (Hà nội, 4/2008). IOC VN đã tài trợ và chủ trì Hội nghị thường kỳ lần thứ VI của Phân ban Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC-VI), tại Viện Hải dương học, Nha Trang (5/2005). Được sự đồng ý của Viện KH&CN VN, IOC VN đã đăng ký và đã được IOC/WESTPAC chấp nhận vào ngày 29/3/2011 là nước đăng cai, chủ trì Hội nghị Khoa học Hải dương khu vực Tây Thái Bình Dương, lần thứ IX tại Việt Nam vào năm 2014.
IOC VN đã đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn khoa học của các nước thành viên IOC để thỏa thuận các chương trình hợp tác, phát triển các dự án khoa học trong các chương trình của IOC/UNESCO và WESTPAC và đã thảo luận về khả năng xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trong khuôn khổ của IOC/UNESCO tại Việt Nam. IOC VN đã cử đại diện tham gia đầy đủ các phiên họp Đại hội đồng và Ban chấp hành IOC, các phiên họp thường kỳ và các hội thảo khoa học, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ.
4. Kết luận
Trong những năm qua, được sự quan tâm và lãnh đạo trực tiếp của UB UNESCO VN, của Viện KH&CN VN, của các Bộ, các Ban, Ngành và sự tham gia tích cực, năng động của các Uỷ viên trong Uỷ ban, IOC VN đã hoàn thành chức năng đầu mối trong khoa học biển, đã hỗ trợ thông tin, tư liệu và tư vấn về hoạt động nghiên cứu biển, đào tạo cán bộ cho các cơ quan khoa học trong nước, góp phần tạo mối liên hệ thường xuyên với thế giới khoa học hải dương. Những kết quả đó, đã từng bước đưa khoa học biển hội nhập được với thế giới, xác lập được vị thế của Hải dương học Việt Nam ở khu vực và quốc tế và thực sự đã có nhiều ý nghĩa thực tiễn trong phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và bảo vệ an ninh chủ quyền lãnh hải của Việt Nam trên biển Đông.
Hội thảo Khoa học tổng kết dự án “Quản lý kinh tế biển Tp. Đà Nẵng”, 6/4/2007
Đại sứ phái đoàn UNESCO VN tại Paris Văn Nghĩa Dũng (hàng đầu-trái), cùng với đoàn đại diện IOC VN tham dự phiên họp lần thứ XXV Đại Hội đồng IOC/UNESCO, Paris, tháng 6/2009
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp lần thứ VII IOC/WESTPAC
26-29/5/2008 tại Kota Kitabalu Malaysia
Phiên họp lần thứ VI của Tiểu ban Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC-VI), tại Viện Hải dương học, Nha Trang (5/2005)
Chức năng nhiệm vụ
1. Là đầu mối quốc gia điều hành và thực hiện những hoạt động nghiên cứu về những vấn đề chuyên môn thuộc lĩnh vực hải dương học trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu khoa học của Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (IOC/UNESCO), theo quy chế của IOC/UNESCO/Paris.
2. Nghiên cứu và trình lên các cơ quan cấp trên (Chính phủ, UBQG UNESCO của Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) các vấn đề về phương hướng, chính sách, chương trình và kế hoạch hoạt động của Việt Nam đối với IOC/UNESCO.
3. Phối hợp và điều hòa hoạt động của các cơ quan có liên quan tới công tác IOC/UNESCO nhằm thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn của Việt Nam với tư cách là một thành viên của IOC/UNESCO.
4. Thông báo tin tức hoạt động của IOC/UNESCO cho các cơ quan đoàn thể có liên quan ở trong nước.
5. Liên hệ với IOC/UNESCO/Paris, với các văn phòng IOC/UNESCO khu vực và các Ủy ban Quốc gia IOC/UNECO các nước.
6. Hợp tác với IOC/UNESCO/Paris, với các văn phòng IOC/UNESCO khu vực và các Ủy ban Quốc gia IOC/UNECO các nước để tiến hành thực hiện các nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực hải dương học.
Các hoạt động nổi bật của IOC VN trong thời gian gần đây
Phối hợp với Viện Hải dương học và IOC/WESTPAC tổ chức “Hội nghị Khoa học Quốc tế IOC/WESTPAC lần thứ 9”, tại Nha Trang, Khánh Hòa, từ ngày 22-25/4/2014. Hội nghị lần thứ 9 diễn ra vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập IOC/WESTPAC, mang chủ đề “Một Đại dương Lành mạnh vì Thịnh vượng ở Tây Thái Bình Dương: Những Thách thức về Khoa học và Giải pháp”. Hội nghị đã quy tụ được trên 520 nhà khoa học, nhà quản lý và hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu biển đến từ 21 quốc gia, bao gồm 13 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương và một số quốc gia khác như Anh, Ấn Độ, Banglades, Đức, Iran, Mỹ, Pháp và Yemen. Hội nghị đã được tiến hành với Phiên khai mạc, Phiên toàn thể và 14 Tiểu ban tương ứng với 3 chủ đề lớn gồm: Hiểu biết về các quá trình đại dương ở Tây Thái Bình Dương; Đa dạng sinh học và an ninh lương thực, an toàn thực phẩm; Sự lành mạnh của đại dương và một số vấn đề liên ngành và mới nổi. Tổng cộng đã có 6 báo cáo chính (keynote) được trình bày tại Phiên khai mạc và Phiên toàn thể; 386 báo cáo đã được trình bày tại Hội nghị, trong đó có 210 báo cáo tại các tiểu ban và 176 báo cáo ở dạng áp phích trưng bày.
Hội nghị Khoa học Quốc tế IOC/WESTPAC lần thứ 9, Nha Trang, Khánh Hòa, 22-25/4/2014
Trong thời gian Hội nghị, IOC/WESTPAC đã trao giải thưởng “Nhà khoa học xuất sắc của WESTPAC năm 2014” cho 5 nhà khoa học có những thành tích nổi bật, đóng góp lớn cho sự phát triển khoa học của khu vực, trong đó có PGS.TSKH Nguyễn Tác An của Việt Nam. Mặt khác, trong tổng số các báo cáo trình bày tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Khoa học Quốc tế và các trưởng tiểu ban cũng đã sàng lọc, lựa chọn được 5 nhà khoa học trẻ để trao giải thưởng “Nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất của WESTPAC năm 2014”, trong đó có một nhà khoa học trẻ của Việt Nam.
PGS.TSKH. Nguyễn Tác An nhận giải thưởng “Nhà khoa học xuất sắc của WESTPAC năm 2014”
Đặc biệt, tại Hội nghị này, Diễn đàn các Viện trưởng lần đầu tiên được tổ chức nhằm thống nhất, định hướng các viện, trường và các cơ quan thực thi trong khu vực xây dựng và cải thiện mạng lưới hợp tác, trao đổi phương hướng phát triển, và các thách thức về khoa học và công nghệ, thúc đẩy các hoạt động khu vực nhằm hướng tới các mục tiêu của IOC. Tất cả 20 Viện trưởng tham dự diễn đàn đã ký tuyên bố chung nhất trí về sự cần thiết và hướng đến thành lập "mạng lưới quan trắc và dịch vụ đại dương" ở Tây Thái Bình Dương.
Diễn đàn các Viện trưởng
Hội nghị cũng bao gồm 9 Hội thảo chuyên đề song song với các tiểu ban và 4 sự kiện (hội thảo, tập huấn) trước và sau hội nghị.
Hội nghị đã được đánh giá là Hội nghị lớn nhất trong lịch sử IOC/WESTPAC, lập kỷ lục về số lượng đại biểu tham dự và là sự kiện quan trọng nhất nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập tổ chức IOC/WESTPAC.
Hiện nay Việt Nam đang chủ trì dự án của IOC/WESTPAC “Sinh vật biển độc hại”. Dự án được bắt đầu thực hiện từ năm 2010. Dự án đã tổ chức được 4 hội thảo tại Việt Nam và một số nước khác.
Khóa tập huấn Dự án IOC/WESTPAC-TMO-HAB lần thứ hai “Ứng dụng phương pháp miễn dịch học để phát hiện axit domoic trong sinh vật phù du và động vật có vỏ”, Viện Hải dương học, Nha Trang, 19–22/3/2012
Việt Nam là thành viên Ban điều hành của các các dự án khác của IOC/WESTPAC: Tảo độc - HABs, Viễn thám hải dương, Trầm tích sông đổ ra Biển Đông, Đa dạng sinh học biển ven bờ, Rạn san hô dưới tác động của khí hậu và con người, Phân loại sinh vật rạn san hô bằng DNA.
Hiện nay Việt Nam đang tham gia xây dựng các dự án mới của IOC/WESTPAC theo các định hướng giai đoạn 2014-2021, đó là: Các vấn đề hải dương học và khí hậu khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương; Đa dạng sinh học, sức khỏe của hệ sinh thái và an toàn thực phẩm; Nâng cao tri thức về các vấn đề cấp bách của khoa học đại dương; Phát triển năng lực về quan trắc và dịch vụ cho khoa học biển; Nghiên cứu các loài có nguy cơ tuyệt chủng (động vật biển, rùa biển) trong đới xích đạo Châu Á phục vụ bảo tồn có hiệu quả; Nghiên cứu hiện tượng nước trồi qua tích hợp tài liệu đại dương hướng tới một đại dương khỏe, ổn định và năng suất cao; Sự biến động của môi trường đại dương Ấn Độ - Thái Bình Dương và tương tác biển khí quyển; Phát triển mạng lưới quan trắc, dịch vụ đại dương Ấn Độ - Thái Bình Dương; Xây dựng dự án CSK2 (tiếp theo CSK1 từ 1965 -1977) nghiên cứu biến động, ảnh hưởng của hệ thống dòng chảy ấm Kurosio vào khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông.
IOC VN đã và đang thực hiện một số đề án/nhiệm vụ trong nước, đó là:
• Xây dựng bộ mẫu và posters hình ảnh các loài ốc biển thường gặp ở vùng biển Khánh Hòa, 2013-2014;
• Điều tra và xây dựng bộ sưu tập mẫu cá thường gặp và quý hiếm ở vùng biển Nam Trung bộ, 2014-2015;
• Xuất bản cuốn sách về rắn biển Việt Nam, 2015.
Trong những năm gần đây, vị thế của Việt Nam trong khu vực ngày càng được nâng cao thông qua việc việc Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của IOC/UNESCO và IOC/WESTPAC:
Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Chấp hành Ủy ban liên Chính phủ về Hải dương học (IOC) nhiệm kỳ 2001 – 2003.
GS.TSKH Đặng Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch IOCVN, được bầu là Phó Chủ tịch thứ nhất của IOC/WESTPAC trong hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2002-2005 và 2005-2008.
PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học được bầu là Phó Chủ tịch thứ hai của IOC/WESTPAC trong hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2012-2014 và 2015-2017.
Tại Phiên họp lần thứ 11 của WESTPAC, Thanh Đảo, Trung Quốc, 21-23/4/2017, PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học được bầu là Chủ tịch của IOC/WESTPAC trong nhiệm kỳ 2017-2019.
PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn cũng là thành viên Ban Tư vấn Khoa học của IOC/WESTPAC từ năm 2013 tới nay.
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của IOC VN gồm có các chức danh sau đây:
- Chủ tịch: do Lãnh đạo Viện hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiêm nhiệm, được UBQG UNESCO Việt Nam quyết định bổ nhiệm sau khi có ý kiến đề nghị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và ý kiến nhất trí của Tiểu ban Khoa học tự nhiên, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Phó chủ tịch thường trực
- Các Ủy viên: đại diện các bộ, ngành, cơ quan trong nước liên quan đến các hoạt động về khoa học biển (theo đề nghị của IOC VN, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và văn bản cử đại diện của các cơ quan này) bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Ngoại giao; Viện Địa chất và Địa Vật lý Biển, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Viện Vật lý Địa cầu và một số Ban chức năng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
- Ủy viên Thư ký: do Chủ tịch IOC VN quyết định.
Lãnh đạo IOC Việt Nam qua các thời kỳ:
- GS.TSKH Đặng Ngọc Thanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (1986 - 2002);
- PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học (2002-2012);
- PGS.TS Bùi Hồng Long, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học (từ năm 2012 đến nay).
Các thành viên IOC VN hiện nay:
1. PGS.TS. Bùi Hồng Long, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học – Chủ tịch
2. PGS.TS. Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường – Phó Chủ tịch thường trực
3. Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ – Ủy viên
4. ThS. Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng, Vụ KHCN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Ủy viên
5. PGS.TS. Lê Trọng Hùng, Vụ trưởng, Vụ KHCN&MT, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Ủy viên
6. TS. Lê Quý Quỳnh, Vụ trưởng Vụ Biển, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao – Ủy viên
7. Ông Lê Hải Triều, Tập sự Phó Vụ trưởng, Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao – Ủy viên
8. PGS.TS. Bùi Đình Trí, Trưởng ban, Ban Tổ chức Cán bộ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Ủy viên
9. TS. Đặng Xuân Phong, Phó Trưởng ban, Ban kế hoạch Tài chính, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Ủy viên
10. PGS.TS. Ninh Khắc Bản, Trưởng ban, Ban Hợp tác Quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Ủy viên
11. TS. Đỗ Huy Cường, Viện trưởng, Viện Địa chất và Địa Vật lý Biển – Ủy viên
12. TS. Trần Đình Lân, Viện trưởng, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển – Ủy viên
13. PGS. TS. Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bộ TN&MT - Ủy viên
14. TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Ủy viên
15. Đỗ Minh Thu, Viện Hải dương học – Ủy viên Thư ký
Địa chỉ liên hệ
1. PGS.TS Bùi Hồng Long
Chủ tịch
Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ Việt Nam
Viện Hải dương học
01 Cầu Đá, Nha Trang, Khánh Hòa
Tel: 84-58-3590772, Fax: 84-58-3590034
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
2. Đỗ Minh Thu
Thư ký
Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ Việt Nam
Viện Hải dương học
01 Cầu Đá, Nha Trang, Khánh Hòa
Tel/Fax: 84-58-3590035
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.