Chiều ngày 14 tháng 9 năm 2017, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Viện Hải dương học (14-9-1922 – 14-9-2017). Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Tiến sĩ Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đến dự.
Thừa uỷ nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Viện Hải dương học
GS. VS. Châu Văn Minh trao tặng bằng khen cho một số đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học của Viện Hải dương học
Viện Hải dương học tiền thân là Sở Hải dương học nghề cá Đông dương, được thành lập ngày 14 tháng 9 năm 1922, theo quyết định của Toàn Quyền Đông Dương và sau đó Tổng thống Pháp quyết định nâng cấp thành Viện Hải dương học Đông dương vào năm 1930, với mục tiêu là “Khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp với việc đánh cá thí nghiệm ở biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratly) và biển Hồ ở Campuchia để xác định chiến lược cho nghề khai thác cá ở Đông Dương; đồng thời triển khai nghiên cứu các công nghệ chế biến và nuôi trồng hải sản”.
Vào năm 1952, Viện được đổi tên là Viện Hải dương học Nha Trang, sau đó thành Hải học viện Nha Trang khi có quyết định của Chính phủ Pháp bàn giao cho Chính quyền miền Nam đương thời (1954). Sau khi Việt Nam thống nhất, Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng được sát nhập vào và Viện Nghiên cứu biển Nha Trang là cơ sở thống nhất về nghiên cứu biển của cả nước có trụ sở chính tại Nha Trang. Từ năm 1993, Viện mang tên chính thức là Viện Hải dương học với trụ sở chính ở Nha Trang và 2 phân viện ở Hà Nội và Hải Phòng. Năm 2001, hai phân viện tách ra thành các Viện độc lập với tên gọi riêng.
Hiện nay, Viện Hải dương học là cơ quan trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với nhiệm vụ nghiên cứu về: Các quá trình hải dương học, sinh thái học và các hiện tượng đặc biệt của biển; Điều tra tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường biển; Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học cơ bản vào thực tiễn quản lý, sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ quyền quyền quốc gia trên biển; Đào tạo chuyên gia trình độ cao trong nghiên cứu biển; Cung cấp các dịch vụ, tư vấn khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương học, tài nguyên - môi trường và bảo tàng biển.
Trải qua 95 năm hình thành và phát triển, Viện Hải dương học đã tiến hành thực hiện hàng trăm chuyến khảo sát nghiên cứu trên khắp các vùng biển Đông, từ vùng ven bờ biển tới các vùng khơi xa xôi (quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa); tham gia thực hiện hàng chục chương trình khoa học cấp Nhà nước; các chương trình, đề tài các cấp; các chương trình, dự án hợp tác quốc tế...
Các kết quả nghiên cứu trong suốt lịch sử phát triển của Viện đã cung cấp những dẫn liệu khoa học cơ bản về điều kiện tự nhiên, các quá trình hải dương học, các hệ sinh thái, hiện trạng môi trường, khu hệ sinh vật, nguồn lợi ở Biển Đông. Trong đó, các kết quả nghiên cứu, nhận định về hệ thống hoàn lưu biển trong mối quan hệ với chế độ gió mùa; đặc trưng động lực, địa hình đáy biển, địa chất thềm lục địa; địa mạo và địa chất các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; quá trình xói lở bồi tụ, các tai biến thiên nhiên; đặc trưng các hệ sinh thái, đa dạng loài, sinh học - sinh thái nguồn lợi rất có giá trị về mặt lý luận khoa học và ứng dụng trong thực tiễn khai thác tài nguyên và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Các tư liệu này đã từng phần được công bố rộng rãi, điển hình là trong các tập Chuyên Khảo “Biển Đông”, Atlas biển Việt Nam.
Viện đã được giao chủ trì xây dựng hệ thống dữ liệu biển của quốc gia, tập hợp kết quả của 6.731 chuyến khảo sát ở Biển Đông với tổng số trạm là 149.000 trạm về điều kiện tự nhiên, nguồn lợi, tài nguyên và môi trường Biển Đông. Trong những năm vừa qua, Viện tiếp tục cập nhật và bổ sung thông tin và thường xuyên cung cấp các dữ liệu cho việc xây dựng các hoạt động khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và khằng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Tiến sĩ Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trao tặng bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa cho Viện Hải dương học
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm
Viện đã xuất bản hơn 190 đầu sách, chuyên khảo và hơn 1.500 công trình nghiên cứu khoa học; Đã xây dựng được Bảo tàng và Thư viện khoa học chuyên ngành với bộ sưu tập mẫu sinh vật biển lớn có giá trị phục vụ nghiên cứu khoa học và bảo vệ phát triển nguồn lợi; Năm 2011 khánh thành Phòng trưng bày “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa” với nhiều tài liệu, các mẫu vật tiêu bản, sinh vật sống có liên quan đến hai quần đảo này; Năm 2012 đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục "Bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất" và năm 2014 top 10 bảo tàng thu hút nhiều du khách nhất. Bảo tàng cũng được Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa công nhận đạt danh hiệu "điểm đến hấp dẫn, văn minh và thân thiện". Hiện nay, Viện đang được Nhà nước đầu tư xây dựng “Khu thuần hóa thủy sinh vật và trưng bày mẫu vật Trường Sa – Hoàng Sa”.
Viện đã tổ chức thành công nhiều hội nghị - hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Trong đó, Hội nghị quốc tế Biển Đông năm 2012 đánh dấu 90 năm ngày thành lập Viện là một sự kiện hội tụ các thế hệ của Viện, các đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hội thảo khoa học quốc tế IOC/WESTPAC lần thứ 9 (tháng 4/2014) do Viện phối hợp với IOC Việt Nam và WESTPAC đã được tổ chức đúng chuẩn quốc tế, thu hút trên 500 nhà khoa học nước ngoài, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong cộng đồng hải dương học quốc tế.
Với những thành tích đã đạt được, viện đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2012), bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen các viện, bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh Khánh Hòa.
Các đại biểu khánh thành Công viên Trường Sa
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm thành lập, Viện Hải dương học vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; của UBND tỉnh Khánh Hòa; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao tặng bằng khen cho một số tập thể và cá nhân.
Cũng nhân dịp này, Viện Hải dương học khánh thành hai công trình ý nghĩa đó là Phòng truyền thống và Công viên Trường Sa trước bãi biển phía sau khuôn viên của Viện.