Logo kỷ niệm 25 năm thành lập WESTPAC
Tiểu ban IOC khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC) được thành lập năm 1989. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, từ năm 2013 đến năm 2015 đã có nhiều hoạt động được tổ chức bao gồm hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, khảo sát biển, các nghiên cứu về khoa học biển, xuất bản ấn phẩm...
Nổi bật nhất là Hội nghị Khoa học Quốc tế IOC/WESTPAC lần thứ 9, với chủ đề “Một Đại dương Lành mạnh vì Thịnh vượng ở Tây Thái Bình Dương: Những Thách thức về Khoa học và Giải pháp”, được tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 22-25 tháng 4 năm 2014.
Tổ chức các Hội thảo phát triển khoa học trong khu vực:
1. Diễn đàn Ấn Độ-Thái Bình Dương về “Tương lai của các hoạt động quan trắc và dịch vụ đại dương một cách bền vững”, tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, 25-28/11/2013.
2. Hội thảo “Nghiên cứu và giám sát tác động sinh thái của hiện tượng axit hóa đại dương tới các hệ sinh thái rạn san hô”, tổ chức tại Phuket, Thái Lan, 19-21/1/2015.
Phát triển mạng lưới các Trung tâm đào tạo của IOC/UNESCO trong khu vực (RTRCS), phối hợp tổ chức các khóa đào tạo:
1. Phối hợp với “Trung tâm đào tạo và nghiên cứu về động lực và khí hậu hải dương”, Viện Hải dương học số 1, Cục Hải dương Trung Quốc, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về động lực biển, tương tác biển - khí quyển, mô hình hóa, cho tổng cộng 204 nhà khoa học trẻ từ 28 quốc gia đến tham dự.
2. Indonesia, Nhật Bản, Malysia, Thái Lan và Việt Nam cũng đang nỗ lực cố gắng để có thể thành lập các Trung tâm Đào tạo của IOC/UNESCO trong khu vực tại nước mình. Điều này được thể hiện thông qua “Hội thảo quốc tế về Nghiên cứu khả thi hướng tới thành lập Trung tâm Đào tạo của IOC/UNESCO trong khu vực (RTRCS)”, tổ chức tại Kashiwa, Nhật Bản, 18-19/11/2014.
Tổ chức các chuyến khảo sát chung trên vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương:
1. Chuyến khảo sát bằng tàu Widya Nusantara (E-Win) được thực hiện trong tháng 6/2013 do Viện Khoa học Indonesia (LIPI) chủ trì, khảo sát nguồn lợi sinh vật biển và các quá trình sinh địa hóa trong khu vực eo biển Makassar.
2. Chuyến khảo sát bằng tàu nghiên cứu Hakuho Maru vùng biển ngoài khơi Thái Lan và Malaysia, Biển Andaman và Vịnh Bengal từ tháng 7-8/2013 do Viện Nghiên cứu Khí quyển và Đại dương của Đại học Tokyo, Nhật Bản tổ chức nhằm mô phỏng lại môi trường cổ cách đây 3.000 năm và tìm hiểu mối liên quan giữa các hoạt động của con người và sự thay đổi của môi trường.
3. Chuyến khảo sát bằng tàu nghiên cứu Yokosuka và tàu lặn Shinkai 6500 ngoài khơi New Zealand trong tháng 10/2013 do JAMSTEC (Japan Agency for Marine-Earth Science and Technology) thực hiện nhằm tìm hiểu nghiên cứu thành phần, cấu trúc và chức năng của các hệ sinh thái biển sâu tại một số khu vực.
4. Chuyến khảo sát bằng tàu nghiên cứu Mirai tại vùng biển phía đông đường xích đạo của Ấn Độ Dương trong tháng 1/2014 do JAMSTEC thực hiện nhằm quan trắc khí tượng đại dương và vận hành phao TRITON trong Ấn Độ Dương và khu vực gần đường xích đạo của Thái Bình Dương.
Hoạt động của các chương trình/dự án nghiên cứu về khoa học biển:
Nghiên cứu về tảo độc hại và an ninh thực phẩm biển: trong năm 2014, WESTPAC hỗ trợ kỹ thuật cho hai nước Malaysia và Singapore thông qua việc chuyển giao kỹ thuật thu mẫu tảo độc trong hoạt động giám sát tảo độc hại, xác định loài, xét nghiệm phân tử nhanh các loài tảo độc hại.
Nghiên cứu bảo tồn và phục hồi rạn san hô: WESTPAC đã xuất bản một số đặc biệt với tiêu đề “Coral reefs under the climate and anthropogenic perturbations (CorReCAP): An IOC/WESTPAC approach” trong tạp chí Deep-sea Research Part II: Tropical Oceanography của Nhà xuất bản ELSEVIER, vào cuối năm 2013.
Nghiên cứu trầm tích sông đổ ra Biển Đông và những biến đổi về môi trường: WESTPAC đã xuất bản một số đặc biệt “South China Sea Fluvial Sediments” trên tạp chí Asian Earth Sciences, trong năm 2014.
Đề án MOMSEI (Monsoon Onset Monitoring and Social & Ecosystem Impacts) được thực hiện như một phần trong chương trình SEAGOOS của WESTPAC, được bắt đầu từ năm 2009. Trong tháng 5/2013, đề án đã thực hiện chuyến khảo sát tại Vịnh Bengal. Đây là chuyến khảo sát đầu tiên trong Vịnh Bengal với lá cờ kỷ niệm 25 năm thành lập WESTPAC.
Sức khỏe của các bờ biển và đại dương được xác định là một trong những lĩnh vực nghiên cứu trong Chương trình hành động phối hợp ASEAN-UNESCO (2014-2018) trong Thỏa thuận hợp tác khung UNESCO-ASEAN ký ngày 17/12/2013.