Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật (Legal and Technical Commission - LTC) trực thuộc Cơ quan Quyền lực Quốc tế Đáy đại dương (International Seabed Authority - ISA) đã chính thức khai mạc cuộc họp trong khuôn khổ Phiên họp I của Kỳ họp lần thứ 29

Kingston, Jamaica — Vào ngày 4 tháng 3 năm 2024, Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật (LTC) của Cơ quan Quyền lực Quốc tế Đáy đại dương (ISA) đã chính thức khai mạc Phiên họp lần thứ I của Kỳ họp thứ 29, diễn ra tại Kingston - Jamaica, từ ngày 4 đến ngày 15 tháng 3 năm 2024.

Chào mừng các thành viên LTC, Tổng thư ký ISA – ông Michael W. Lodge đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của LTC, với tư cách là một cơ quan trực thuộc Hội đồng trong cơ cấu quản trị tổng thể của ISA. LTC đã tái bầu cử ông Erasmo Lara Cabrera (Mexico) làm Chủ tịch và bà Sissel Eriksen (Na Uy) làm Phó Chủ tịch LTC tại Kỳ họp thứ 29.

ISA LTC Hop 2024

Các thành viên LTC/ISA tham dự Phiên họp lần thứ 29 của LTC/ISA tại Kingston, Jamaica

Đại diện Việt Nam, PGS.TS. Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm KHCNVN; Chủ tịch Ủy ban IOC Việt Nam đã tham dự Phiên họp với vai trò thành viên của Ủy ban LTC/ISA  nhiệm kỳ 2023-2027.

ISA LTC Hop 2024 1

PGS. TS. Đào Việt Hà trong phiên họp của Ủy ban LTC/ISA lần thứ 29 tại Kingston, Jamaica

Trong 10 ngày họp, LTC đã xem xét một số nội dung, bao gồm hiện trạng các hợp đồng thăm dò và tình trạng thực hiện các chương trình đào tạo theo kế hoạch và công tác thăm dò.

LTC cũng đã thiết lập nhóm công tác để xem xét hai đơn đăng ký thăm dò sunfua đa kim loại và lớp vỏ sắt giàu coban ở Ấn Độ Dương mà Ban Thư ký đã nhận được từ Chính phủ Ấn Độ trình lên vào ngày 18 tháng 1 năm 2024. Nhóm công tác đã đưa ra các khuyến nghị cho Hội đồng theo các quy định thăm dò hiện hành.

Dựa trên công việc đã tiến hành theo biên bản ghi nhớ ở các phiên họp trước, LTC tiếp tục khuyến nghị các giá trị ngưỡng môi trường mang tính ràng buộc theo yêu cầu của Hội đồng ISA tại Kỳ họp thứ 27 và tiếp tục thảo luận về quy trình tiêu chuẩn hóa để phát triển, phê duyệt và xem xét các kế hoạch quản lý môi trường ở các khu vực để trình lên Hội đồng tại kỳ họp tiếp theo.

(Nguồn ISA, Đào Việt Hà)

 ISA LTC hop 2024 1

 

 

category category Tin tức

Ngày 7/3/2024, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái chủ trì buổi gặp mặt các đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Trung ương và trao giải Kovalevskaia.Giải thưởng Kovalevskaia 2023 vinh danh hai cá nhân gồm GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và PGS.TS Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch Uỷ ban Hải dương học liên Chính phủ Việt Nam.

Giai Kovalevskaia

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia Nguyễn Thị Doan cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga chúc mừng 2 nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023

 GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa, 51 tuổi, Trưởng Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế được vinh danh với những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp. 28 năm qua, GS Thái Hòa theo đuổi hướng nghiên cứu chính là đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững. Nữ giáo sư tập trung nghiên cứu độ phì đất, xây dựng quy trình sản xuất các loại phân hữu cơ, sử dụng phân bón cho cây trồng. Nghiên cứu mở ra hướng mới trong ứng dụng biện pháp phi hóa học nhằm giảm sử dụng phân bón hóa học, giải quyết vấn đề an toàn nông sản, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng. GS Hòa công bố 148 bài báo, công trình khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, trong đó 19 bài thuộc tạp chí ISI/Scopus. Chị chủ trì nhiều công trình, đề tài có tính ứng dụng cao. Trong đó có 6 hợp đồng tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ, sở hữu 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích về quy trình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và quy trình sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh.

Giải thưởng cá nhân cũng được trao cho PGS.TS Đào Việt Hà, 55 tuổi, với những đóng góp trong lĩnh vực khoa học môi trường biển. Chị nhận bằng Thạc sĩ tại ĐH Arhus, Đan Mạch năm 2001 và tiến sỹ tại ĐH Tokyo, Nhật Bản năm 2009. Hiện chị là Viện trưởng Viện Hải dương học (Nha Trang, Khánh Hòa), đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về hải dương học Việt Nam. PGS.TS Đào Việt Hà là một trong những chuyên gia kỳ cựu ngành hải dương học, được biết đến là người Việt đầu tiên nghiên cứu về bản chất, nguồn gốc và cơ chế tích lũy độc tố tự nhiên trong sinh vật biển. Với hơn 30 năm nghiên cứu, PGS.TS Đào Việt Hà chủ trì nhiều dự án quốc tế về hải dương học, đảm nhiệm vị trí trưởng dự án hợp tác quốc tế về độc tố biển trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Đến nay PGS.TS Đào Việt Hà công bố 104 bài báo khoa học, trong đó 41 bài trên tạp chí quốc tế uy tín, được cấp 1 bằng giải pháp hữu ích.

Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ 19 - Sophia Kovalevskaia (1850 - 1891). Đây là giải thưởng tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ. Qua 38 năm tổ chức, đã có 22 tập thể và 53 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu được vinh danh.

(Nguồn media.chinhphu.vn/)

(Chinhphu.vn) - Sáng ngày 20/9/2023 (giờ New York), trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

Hiep dinh ve bien ca 1

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định trong khuôn khổ chuyến làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Hơn 60 quốc gia tham gia ký Hiệp định trong tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Việc thông qua và ký Hiệp định là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển.

Đây là hiệp định thứ ba được đàm phán và ký kết trong khuôn khổ Công ước Luật Biển năm 1982, tái khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Công ước với tư cách là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Hiep dinh ve bien ca 2

(Nguồn baochinhphu.vn)