Hội thảo/Khóa đào tạo lần thứ 3 của WESTPAC về “Nghiên cứu giám sát tác động sinh thái học của axit hóa đại dương lên các hệ sinh thái rạn san hô” được tổ chức tại Phuket, Thái Lan, từ ngày 29-31/8/2016.
Tham dự Hội thảo có 46 nhà khoa học từ 8 quốc gia trong khu vực, trong đó có 2 nhà khoa học của Việt Nam hiện đang công tác tại Viện Hải dương học.
Hội thảo/Khóa đào tạo lần này được tổ chức tiếp theo Hội thảo/Khóa đào tạo lần thứ nhất (19-21/1/2015) và lần thứ hai (26-28/8/2015). Trong hai Hội thảo/Khóa đào tạo trước, các chuyên gia đã trao đổi các thông tin về cách tiếp cận, phương pháp và kỹ thuật trong nghiên cứu và giám sát axit hóa đại dương hiện đang áp dụng, các ưu điểm và hạn chế của những phương pháp này, xây dựng chương trình giám sát dài hạn những tác động sinh thái học của axit hóa đại dương lên các rạn san hô trong khu vực, xem xét khả năng nghiên cứu và giám sát axit hóa đại dương của các nước thành viên, xác định phương pháp giám sát chung và hoàn thiện Quy trình chuẩn (SOPs) về nghiên cứu và giám sát axit hóa đại dương. Hội thảo cũng thảo luận về khả năng và tiến độ tham gia các hoạt động nghiên cứu của các nước thành viên dựa trên các Quy trình chuẩn.
Mục đích của Hội thảo/Khóa đào tạo lần này là đánh giá và thử nghiệm, thông qua thảo luận và kết quả nghiên cứu và giám sát thực tiễn của các chuyên gia tại thực địa hay trong phòng thí nghiệm, Quy trình chuẩn (SOPs), mà có thể được áp dụng để giám sát tác động sinh thái học của axit hóa đại dương lên các hệ sinh thái rạn san hô. Ngoài ra, còn có mục đích xây dựng mạng lưới quan trắc hiện tượng axit hóa đại dương trong khu vựcnhư là một phần của Mạng lưới quan trắc hiện tượng axit hóa đại dương toàn cầu.
Trong 3 ngày hội thảo, các nhà khoa học đã được cập nhật tiến độ mới nhất của nghiên cứu và các chương trình có liên quan đến axit hóa đại dương trên quy mô toàn cấu. Các nhà khoa học cũng được tham gia vào thực hành thu mẫu nước biển ngoài thực địa và phân tích hóa học trong phòng thí nghiệm.