Hội thảo khoa học quốc tế “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh” đã được Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng phối hợp với Hội Thiên nhiên và Môi trường biển thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng từ ngày 11-12.10.2016.
Tham dự hội thảo có khoảng 150 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế liên quan, bao gồm các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý quốc tế và trong nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển, về an toàn hàng hải và hàng không, về luật biển quốc tế và đã có những quan tâm, nghiên cứu tình hình Biển Đông hiện nay, như: GS.TS. John W. McManus (Đại học Tổng hợp Miami, Mỹ), GS. TS. Annette Juinio-Menez (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippin), GS.TS. Go Ito (Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị, Đai học Tổng hợp Meiji, Nhật Bản), GS.TS. Eric David (Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Tự do, Bỉ), TS. Jean Vincent Brisset (Giám đốc nghiên cứu của IRIS, Pháp), GS.TS. Devinder Grewal (Đại học Hàng hải Thế giới), GS.TS. Rajesh Sharma (Đại học RMIT, Úc), TS. Alberto A. Encomienda (Cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippin, chuyên gia tư vấn các vấn đề biển, Philippin), TS. Youna Lyons (Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Tổng hợp Singapore), TS. Duncan Currie (Tổ chức Hòa bình xanh), PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn (Viện trưởng Viện Hải dương học, Phó Chủ tịch WESTPAC), Đại sứ Nguyễn Quý Bính (thành viên Việt Nam tại Tòa Trọng tài thường trực PCA), TS. Trần Công Trục (nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ), PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy (Đại học RMIT Việt Nam)…
Mục tiêu của Hội thảo Khoa học Quốc tế “An ninh Môi trường và Hàng hải vì một Biển Đông xanh” nhằm: (i) Tạo diễn đàn trao đổi và đối thoại giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý và chuyên gia quốc tế và trong nước về các vấn đề và thách thức đối với an ninh môi trường biển, an toàn và an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông; (ii) Chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các thực tiễn tốt cho việc xây dựng một Biển Đông xanh; (iii) Đề xuất các sáng kiến và các giải pháp để đảm bảo an ninh môi trường, an toàn và an ninh hàng hải và hàng không trên Biển Đông; (iv) Tăng cường và mở rộng mạng lưới nghiên cứu khoa học biển về Biển Đông giữa các nhà khoa học Việt Nam và cộng đồng khoa học quốc tế.
Trong hai ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 3 chủ đề chính: An ninh môi trường Biển Đông theo phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế; An ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo phán quyết của Tòa Trọng tài; Các sáng kiến và giải pháp vì một Biển Đông xanh.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý quốc tế và Việt Nam trao đổi, chia sẻ các khó khăn, thách thức, các bài học kinh nghiệm thực tiễn, các sáng kiến và giải pháp để đảm bảo an ninh môi trường, hàng hải và hàng không trên Biển Đông trong bối cảnh hậu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, hướng tới một “Biển Đông xanh”.
Hội thảo cũng là cơ hội để tăng cường và mở rộng mạng lưới nghiên cứu khoa học về Biển Đông giữa các nhà khoa học Việt Nam với cộng đồng các nhà khoa học quốc tế.
Đặc biệt, thông qua hội thảo quốc tế lần này, các nhà khoa học và quản lý tham dự muốn chuyển đi một thông điệp: “Hãy chung tay xây dựng một Biển Đông xanh – một vùng biển lành mạnh, thịnh vượng và hòa bình”.
Theo VOV.VN, IMER
PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, Phó Chủ tịch WESTPAC trình bày báo cáo “Những cố gắng bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong trong khu vực Biển Đông” tại Hội thảo