Hưởng ứng chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon” của Ngày Môi trường thế giới năm 2018, đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện Đề án nêu trên nhằm đề ra các giải pháp giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon trong thời gian tới, sáng 04/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy”.
Mục tiêu của hội thảo nhằm đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy tại Việt Nam; kết quả đạt được trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy; đề xuất các giải pháp về công nghệ, cơ chế chính sách, tuyên truyền vận động nhằm hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở nước ta.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì hội thảo
Tới dự và chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Bình Định Trần Châu. Cùng tham dự hội thảo còn có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, lãnh đạo và chuyên viên Tổng cục Môi trường; đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tài chính, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học,... cùng đông đảo cơ quan thông tấn báo chí.
Chất thải nhựa và túi ni lông do con người xả thải trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống sông, ao hồ, cống rãnh, biển… sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người; làm giảm diện tích ao, hồ, sông; gây cản trở các dòng chảy, tắc cống rãnh thoát nước...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại hội thảo
Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, khi thải ra môi trường túi nilon phải mất hàng trăm năm mới bị phân huỷ hoàn toàn, gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ sinh thái; nếu đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Nhận thức được mức độ nguy hại đối với môi trường do chất thải nhựa và túi nilon, trong thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, các chương trình cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với chất thải nhựa và túi nilon.
Đặc biệt, ngày 11 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 582/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” với mục tiêu: Giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt; tăng cường thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy, trong đó đã phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ thực trạng chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy tại Việt Nam, tác động của chất thải nhựa, túi nilon tới môi trường; trao đổi, đánh giá tổng quan việc thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy giai đoạn 2013 – 2017 ở Việt Nam.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các diễn giả và toàn thể quý vị đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ kiến thức về nhận thức, hiện trạng, xu thế, tầm nhìn và đề ra chính sách, giải pháp mang tính dài hạn cũng như các chương trình hành động cụ thể, thiết thực để chống lại, ngăn chặn, đầy lùi ô nhiễm chất thải nhựa và túi nilon, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, thay thế từng bước việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.
Theo VEA