Ngày 28/12/2018, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc- Trưởng Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có ông Mai Phan Dũng- Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; các Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Thủy văn Quốc tế (IHP), Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế (ICGP), Chương trình Công viên Địa chất toàn cầu (Geopark), Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB); đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Giám đốc 02 Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học và Vật lý.
Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong năm vừa qua hoạt động rất tích cực và hiệu quả: góp phần quan trọng đưa 02 Trung tâm Quốc tế về Toán học và Vật lý đi vào hoạt động; hỗ trợ các Tiểu ban chuyên môn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, đang hỗ trợ 13 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia, bao gồm: 10 nhiệm vụ nghiên cứu cho các Khu dự trữ sinh quyển, 02 nhiệm vụ nghiên cứu về công viên địa chất, 01 nhiệm vụ nghiên cứu biển và hải dương. Đến nay 02 nhiệm vụ đã được nghiệm thu cấp quốc gia đạt xuất sắc, các sản phẩm khoa học của các nhiệm vụ đã được chuyển giao cho Khu dự trữ sinh Quyển Đồng Nai và Tây Nghệ An và được địa phương đánh giá cao.
Trong năm 2018, các Tiểu ban chuyên môn đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp luận cứ khoa học trong các công bố quốc tế, khẳng định vị thế khoa học của Việt Nam, góp phần đấu tranh xác định chủ quyền biển đảo; tham gia mạng lưới công viên địa chất toàn cầu và góp phần giúp tỉnh Cao Bằng trình hồ sơ cho Công viên Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, chương trình thủy văn quốc tế về an ninh nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động đưa vào Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KH&CN với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam các nội dung ưu tiên hỗ trợ các Tiểu ban chuyên môn như Chương trình Thủy văn Quốc tế (IHP), Chương trình Khoa học Địa chất quốc tế (ICGP) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Hải dương học liên chính phủ (IOC) thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Năm 2018, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã quan tâm đến hoạt động của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên. Các Ủy ban quốc gia Chương trình của UNESCO, Ủy ban Quốc gia UNESCO đã phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ KH&CN để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Năm 2019, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên của Bộ khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào các hoạt động sau:
1. Tiếp tục xem xét và hỗ trợ các nhiệm vụ cấp quốc gia cho các Tiểu ban chuyên môn MAB, IHP, IGGP, Geopark và IOC nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động của các Tiểu ban chuyên môn.
2. Hỗ trợ MAB Việt Nam thực hiện vai trò thành viên ICC-MAB trong nhiệm kỳ 2018-2021. Việt Nam sẽ thúc đẩy hoạt động của MAB Việt Nam, thúc đẩy hoạt động của các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận, thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế với các Khu DTSQ của các nước trên thế giới.
3. Tiếp tục hỗ trợ hoạt động của 02 Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được UNESCO công nhận và bảo trợ.
4. Tích cực tham gia Chương trình nghiên cứu cơ bản quốc tế của UNESCO (IBRP), lồng ghép trong Chương trình phát triển khoa học cơ bản theo Quyết định số 562/QĐ-TTg.
5. Xây dựng kế hoạch truyền thông cho các hoạt động của Tiểu ban khoa học tự nhiên và các Tiểu ban chuyên môn.
6. Phối hợp hoạt động với các Tiểu ban Giáo dục, Thông tin, Văn hóa và Khoa học Xã hội và thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình và yêu cầu của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
(Nguồn: Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên)