category category Tin tức

Từ ngày 20-22/11/2019, Hội thảo lần thứ nhất của mạng lưới Ôxy đại dương khu vực Tây Thái bình Dương (Westpac O2NE)đã được tổ chức tại Manila, Philippines.

Hội thảo được tổ chức phối hợp giữa IOC/WESTPAC, Chương trình Quan hệ đối tác trong quản lý môi trường vùng biển Đông Á (PEMSEA) và Viện Nghiên cứu biển thuộc Trường Đại học Philippines (MSI-UP). Hội thảo đã quy tụ 20 nhà khoa học đến từ tám quốc gia (Viện Hải dương học Việt Nam có 1 thành viên tham gia) nhằm trao đổi thông tin về sự suy giảm lượng ôxy  trong đại dương và thành lập mạng lưới hợp tác Westpac O2NE trong khu vực.

Sau ba ngày làm việc, Hội thảo lần thứ nhất của Mạng lưới Ôxy đại dương Khu vực Tây Thái Bình Dương đã đánh dấu sự khởi đầu của một nỗ lực hợp tác quốc tế trong khu vực nhằm quan trắc và nghiên cứu vấn đề suy giảm lượng ôxy trong đại dương (thuật ngữ tiếng Anh là hypoxia ocean hoặc ocean deoxygenation). Ôxy rất quan trọng đối với hệ sinh thái đại dương, sự suy giảm lượng ôxy trong đại dương gây ra nhiều tác động đến hệ sinh thái đại dương, làm giảm năng suất sinh học và các dịch vụ sinh thái đại dương, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân... Ước tính, kể từ những năm 1960 đến nay, diện tích các vùng có hàm lượng ôxy thấp trong đại dương mở đã tăng đến 4,5 triệu km2 và hơn 500 địa điểm có lượng ôxy thấp đã được xác định trên các đại dương.

fish kill

 Cá chết do thiếu ôxy

Hiện nay, sự suy giảm lượng ôxy trong đại dương đang diễn ra ở nhiều vùng biển và đại dương trên thế giới là do hai áp lực từ con người gây ra: sự nóng lên của nhiệt độ nước biển khi lượng khí CO2 từ bầu khí quyển hấp thụ vào đại dương ngày càng nhiều; lượng chất thải dư thừa từ các hoạt động kinh tế, bao gồm nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp...

Tây Thái Bình Dương là nơi tập trung nhiều quốc gia có mật độ dân cư đông và tốc độ phát triển nhanh. Các hoạt động phát triển kinh tế đã gây ra những áp lực đến các hệ sinh thái đại dương trong khu vực. Do đó, nhu cầu cấp thiết là phải tiếp tục nghiên cứu, quan trắc, đánh giá quá trình sụt giảm ôxy trong đại dương, rất cần có sự tham gia của các bên liên quan để thúc đẩy việc nghiên cứu, ngăn chặn quá trình này diễn ra, và đề ra các biện pháp giảm thiểu tác động.

IOC/Westpac khởi xướng Mạng lưới Ôxy đại dương khu vực (Westpac O2NE) nhằm tạo điều kiện tương tác và liên lạc giữa các nhà khoa học để trao đổi học thuật và hỗ trợ thông tin cho các nhà hoạch định chính sách về vấn đề suy giảm lượng ôxy ở các vùng ven biển và biển mở. Mạng lưới Westpac O2NE sẽ đóng góp các hoạt động trong khuôn khổ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên Hợp Quốc về Phát triển Bền vững.

(Nguồn IOC/WESTPAC)