category category Tin tức

Nhận thức rõ tầm quan trọng của quy hoạch không gian biển đối với việc phát triển bền vững kinh tế biển, rất nhiều quốc gia có biển trên toàn thế giới đã tập trung xây dựng các kế hoạch quy hoạch không gian biển (viết tắt tiếng Anh là MSP - Marine Spatial Planning) ở cấp quốc gia và khu vực. Mặc dù việc áp dụng MSP đã được phổ biến trên toàn thế giới, nhưng nhiều khu vực, quốc gia hoặc thành phố vẫn cần hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng hoặc triển khai đầy đủ khi bắt đầu quá trình này.

Trong bối cảnh này, Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của UNESCO (IOC-UNESCO) và Ủy ban châu Âu đã thông qua Lộ trình chung vào tháng 3 năm 2017 để đẩy nhanh quá trình Quy hoạch không gian biển trên toàn thế giới. Kết quả của mối quan hệ đối tác hiệu quả này là Diễn đàn MSP Quốc tế và Sáng kiến MSPglobal đã được thành lập một năm sau đó. Diễn đàn MSP quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Brussels, Bỉ năm 2018. Năm nay, Diễn đàn MSP quốc tế lần 6 được Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO (IOC), Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản Châu Âu (DG MARE) và Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia (MMAF) phối hợp đồng tổ chức từ ngày 8 – 11/10/2024 tại Bali, Indonesia.

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn MSP được tổ chức ở một quốc gia châu Á, sau 5 lần tổ chức tại các quốc gia châu Âu, với sự tham gia của 115 đại biểu đến từ 51 quốc gia, bao gồm nhiều thành phần khác nhau và đến từ nhiều châu lục, từ chính phủ, tổ chức phi chính phủ đến các doanh nghiệp tư nhân. Diễn đàn là nơi các bên liên quan thảo luận, chia sẻ thông tin về kinh nghiệm xây dựng chính sách và chiến lược quản lý không gian biển bền vững ở nhiều quốc gia. Thông qua Diễn đàn, những người làm MSP từ khắp nơi trên thế giới sẽ trao đổi những ý tưởng và khuyến nghị cụ thể về việc tăng cường mối liên kết giữa MSP và ba trụ cột chủ đề của Lộ trình MSP là bảo vệ và phục hồi biển, biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế biển xanh bền vững. Tương tự như các diễn đàn trước, diễn đàn năm nay gồm các phiên trao đổi toàn thể, các cuộc thảo luận bàn tròn, và một ngày tham quan thực tế tại nhiều cơ sở có liên quan tại địa phương để tìm hiểu về nhu cầu, mối quan tâm và vai trò của họ trong MSP.

ThS. Phan Minh Thụ, phòng Sinh thái biển Viện Hải dương học đã tham dự Diễn đàn với vai trò là người điều phối thảo luận bàn tròn của 3 nhóm đối thoại tại các tiểu ban 2.2. MSP & bảo vệ và phục hồi biển, tiểu ban 3.2. MSP & biến đổi khí hậu và tiểu ban 5.2 MSP & kinh tế biển xanh bền vững của Diễn đàn. Việc cử cán bộ tham gia Diễn đàn sẽ góp phần giúp Viện Hải dương học và IOC Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao kiến thức và học hỏi các kinh nghiệm về thực tiễn MSP được chia sẻ tại Diễn đàn, phục vụ cho việc nghiên cứu và tham gia quy hoạch không gian biển tại Việt Nam.

MSP 1

Các thành viên Ban Tổ chức Diễn đàn, gồm đại diện IOC-UNESCO, DG MARE và nước chủ nhà Indonesia khai mạc Diễn đàn ngày 8/10/2024

MSP 2

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

MSP 3

Phiên đối thoại trao đổi đầu tiên của Diễn đàn về MSP với Bảo vệ và phục hồi biển do đại diện IOC-UNESCO điều hành, với sự tham gia của 3 diễn giả đến từ Seychelles, Canada và Thái Lan

MSP 4

Thảo luận bàn tròn giữa các bên liên quan sau phiên trao đổi toàn thể

MSP 5

Các nhóm đại biểu tham quan thực tế về MSP tại nhiều nơi ở Nusa Dua, Bali. Trong ảnh là nhóm đến Trung tâm thông tin rừng ngập mặn để tìm hiểu về quản lý rừng ngập mặn, lợi ích xã hội và vai trò của nó trong MSP

MSP 6

ThS. Phan Minh Thụ, Viện Hải dương học, Việt Nam tại Diễn đàn

Nguồn: Phan Minh Thụ, Viện Hải dương học
https://www.mspglobal2030.org/

https://www.facebook.com/mspglobal2030

https://twitter.com/mspglobal2030