Tại sao điều này lại quan trọng?

Đại dương là nơi cung cấp nguồn thực phẩm, protein cho nhân loại, là nơi tạo ra các giá trị kinh tế và văn hóa quan trọng đối với hàng tỷ người trên khắp thế giới. Một đại dương khỏe mạnh là điều cần thiết cho sự sống còn và hạnh phúc của chúng ta. Các hoạt động của con người đang ngày càng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở các vùng ven biển nơi phát triển đô thị, các hoạt động đánh bắt nuôi trồng thủy sản, du lịch và năng lượng tái tạo đã gây áp lực lên các hệ sinh thái ven biển. Chính vì vậy, cộng đồng các nhà khoa học quốc tế rất quan tâm đến các giải pháp quản lý phù hợp cân bằng được các mục đích sử dụng không gian biển.

Trong hai thập kỷ qua, Quy hoạch không gian biển (Marine Spatial Planning - MSP) đã đạt được tầm quan trọng đáng kể trên toàn thế giới. MSP được định nghĩa là "một quá trình công khai phân tích và phân bổ sự phân bố không gian và thời gian các hoạt động của con người ở các vùng biển để đạt được các mục tiêu hài hoà giữa các vấn đề về sinh thái môi trường, kinh tế và xã hội theo chính sách phát triển của địa phương, của vùng".

Tây Thái Bình Dương là khu vực đông dân, phát triển nhanh chóng nhưng lại mong manh. Các quốc gia ven biển trong khu vực phụ thuộc rất nhiều vào và đại dương để có nguồn thực phẩm, cơ hội việc làm và các hoạt động kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, con người đã khai thác các nguồn tài nguyên trong lòng biển và ven biển. Việc khai thác quá mức các nguồn lợi biển, sử dụng các diện tích biển ven bờ biển ngày càng gia tăng ở nhiều vùng ven biển, dẫn đến suy thoái đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển, gây ảnh hưởng đến kinh tế và công ăn việc làm.

Hành động của các tổ chức quốc tế

Ủy ban Hải dương học liên chính phủ trực thuộc UNESCO (IOC/UNESCO) đã trở thành một tổ chức hàng đầu nghiên cứu về MSP. Kể từ hội thảo MSP quốc tế đầu tiên tổ chức vào năm 2006, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã tổng hợp các bài học kinh nghiệm, cập nhật hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nhóm chuyên gia về MSP. Từ năm 2018, IOC cùng với Tổng cục Hàng hải và Nghề cá của Ủy ban Châu Âu (European Commission’s Directorate-General for Maritime Affairs and Fisheries - DG MARE) đã khởi xướng sáng kiến chung MSPglobal để xây dựng và triển khai các hướng dẫn quốc tế về Quy hoạch không gian biển.

Tương tự như vậy, các quốc gia trong khu vực đã nhiều lần bày tỏ nhu cầu đẩy nhanh quá trình quy hoạch không gian biển ở Tây Thái Bình Dương theo biên bản ghi nhớ tại Phiên họp liên chính phủ lần thứ mười ba của Tiểu ban IOC ở Tây Thái Bình Dương (IOC WESTPAC, tháng 4 năm 2021).Và cũng đồng thời thực hiện Chương trình Thập kỷ Đại dương của Liên hợp quốc vì Phát triển Bền vững (2021-2030), nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết các xung đột trong việc sử dụng đại dương, đẩy nhanh tiến trình quy hoạch không gian biển ở Tây Thái Bình Dương. Chính vì lý do này IOC WESTPAC đã khởi xướng và lãnh đạo kế hoạch hành động Chương trình Thập kỷ Đại dương có tên "Đẩy nhanh quy hoạch không gian biển ở Tây Thái Bình Dương".

Hành động Thập kỷ "Đẩy nhanh Quy hoạch Không gian Biển ở Tây Thái Bình Dương" (UN21) sẽ dựa trên các kết quả đầu ra của MSPglobal 1.0 và tiếp tục thúc đẩy và đẩy nhanh các hoạt động của MSP ở Tây Thái Bình Dương, nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên trong khu vực đạt được cách tiếp cận dựa trên hệ sinh thái để quản lý tài nguyên đại dương, nền kinh tế xanh và Chương trình nghị sự 2030 nói chung. Ngoài ra, hành động này sẽ liên kết với MSPglobal 2.0.

Kế hoạch Hành động sẽ gồm các hoạt động chính sau đây:

Thành lập Nhóm chuyên gia MSP khu vực bao gồm các chuyên gia và nhà quản lý MSP đến từ các quốc gia thành viên và các đối tác quốc tế ở Tây Thái Bình Dương để chia sẻ kinh nghiệm của họ về MSP và các hoạt động thực tiễn ở cấp địa phương và quốc gia.

Điều chỉnh Hướng dẫn MSPglobal cho phù hợp với bối cảnh từng địa phương, quốc gia và khu vực bằng cách tiến hành nghiên cứu MSP chung tại các địa điểm thí điểm. Phát triển và tiến hành đánh giá MSP, đào tạo kỹ thuật phù hợp và các hoạt động phát triển năng lực.

Thành lập Diễn đàn khu vực MSP như một nền tảng quốc tế để tập hợp các chuyên gia MSP và các bên liên quan nhằm chia sẻ bài học và kinh nghiệm, trình diễn các điểm quy hoạch, thúc đẩy hợp tác và thúc đẩy các quan hệ đối tác có ý nghĩa trong khu vực.

Nhóm chuyên gia phối hợp & thực hiện

Tiểu ban IOC WESTPAC đã thành lập Nhóm chuyên gia về Quy hoạch không gian biển ở Tây Thái Bình Dương và các khu vực lân cận (Group of Experts – GoE MSP) để cung cấp thông tin, tư vấn chiến lược và giám sát việc phát triển và triển khai dự án UN21, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình quy hoạch không gian biển ở Tây Thái Bình Dương và các khu vực lân cận. Nhóm được thành lập dựa trên đề cử của các quốc gia thành viên trong khu vực, các chuyên gia đến từ các nước Fiji, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc.

(Nguồn IOC Westpac)

Kingston, Jamaica – từ ngày 01 đến ngày 12 tháng 7 năm 2024, Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương (LTC/ISA) đã tổ chức Phiên họp lần thứ hai, khóa họp lần thứ 29. Đại diện Việt Nam, PGS. TS. Đào Việt Hà – Viện trưởng Viện Hải dương học trực thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban IOC Việt Nam đã tham dự Chương trình nghị sự của phiên họp.

ISA Jamaica hop1

Ảnh các chuyên gia tham dự Phiên họp lần thứ hai, khóa họp lần thứ 29 của Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương (LTC/ISA), Kingston, Jamaica 01-12/ 07/2024

Nội dung làm việc tập trung vào các vấn đề chính sau:

  • Xem xét 30 báo cáo thường niên về các hoạt động năm 2023 của 22 nhà thầu.
  • Xem xét và ghi nhận việc 10 nhà thầu đã thực hiện các chương trình đào tạo theo kế hoạch thăm dò, tổ chức thành công 40 đợt đào tạo, và tiếp tục lựa chọn ứng viên để có đào tạo trong thời gian tới.
  • Đánh giá các đơn xin thăm dò. Xem xét đề nghị ISA phê duyệt đơn đăng ký kế hoạch thăm dò sunfua đa kim loại của Chính phủ Ấn Độ. Tiếp tục đánh giá đơn đăng ký kế hoạch thăm dò lớp vỏ ferromanganese giàu coban của Ấn Độ, thông qua báo cáo gửi Hội đồng ISA xem xét.
  • Trên cơ sở kết quả làm việc của Nhóm chuyên gia giữa kỳ xây dựng các giá trị ngưỡng môi trường, đã hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình xây dựng, thiết lập và đánh giá các kế hoạch quản lý môi trường khu vực (REMP), thông qua các khuyến nghị về hướng dẫn kỹ thuật để phát triển REMP nhằm hỗ trợ chuẩn hóa quy trình và các biểu mẫu.
  • Xem xét chấp nhận đơn từ bỏ khu vực khai thác trong khuôn khổ ba hợp đồng thăm dò sunfua đa kim loại và lớp vỏ ferromanganese giàu coban, đánh dấu một bước quan trọng trong việc quản lý các hoạt động thăm dò trong Khu vực biển sâu.

(Nguồn Đào Việt Hà IOC Việt Nam)