category category News

Theo các chuyên gia, việc thiết lập một công viên hòa bình ở Biển Đông sẽ giúp ích rất nhiều cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển này.

Việc bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển và gìn giữ “nguồn vốn tự nhiên biển” luôn là một nhu cầu thực tế cấp thiết. Đây là con đường để các nước phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, góp phần xây dựng một vùng biển hòa bình và ổn định.

Tuy nhiên, Biển Đông đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng tăng về môi trường, tài nguyên biển, về tự do hàng hải và hàng không liên quan tới cách ứng xử của con người.

Biển Đông bị tàn phá nghiêm trọng hơn những gì dư luận được biết

Có thể thấy, hoạt động và khai thác quá mức các nguồn lợi hải sản, sự gia tăng các hành vi hủy hoại môi trường, làm mất dần các hệ sinh thái trong và lân cận các quần đảo san hô ở ngoài khơi Biển Đông, nguy cơ xả thải rác, chôn lấp các loại chất thải… gần đây đã và đang xảy ra với tốc độ đáng lo ngại đã có tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái Biển Đông và hệ quả là tác động trực tiếp đến con người.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh” diễn ra tại Hải Phòng, Tiến sĩ Annette Juinio-Menez, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippines cho biết: “Ở Biển Đông có một tam giác san hô với hơn 500 loài san hô khác nhau. Đây là ngôi nhà của 3.000 loài sinh vật.

Tuy nhiên việc xây dựng, bồi đắp biển các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc là quá thô bạo, vượt quá các tiêu chuẩn. Nhiều khu vực của rạn san hô và bãi trầm tích đã bị mất vĩnh viễn. Điều đó gây tổn thất lớn về lâu dài cho môi trường”.

"Về khía cạnh kinh tế, mỗi năm thế giới mất ít nhất 4 tỉ USD vì các hoạt động khai thác bừa bãi của Trung Quốc ở các rạn san hô trên Biển Đông. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến hòa bình mà còn cả sự thịnh vượng của các quốc gia trên Biển Đông”, bà Annette Juinio-Menez nói.

TS Annette

Tiến sĩ Annette Juinio-Menez, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippines.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, Nha Trang, Việt Nam, vấn đề nạo vét, bồi lấp các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc đã và đang đặt ra hai thách thức chính với an ninh môi trường ở Biển Đông.

“Thứ nhất, các hoạt động này gây mất mát hệ sinh thái. Nó phá hoại mặt bằng rạn, lấp các vũng tự nhiên. Đây là hai yếu tố cấu thành các rạn san hô.

Thứ hai, khi Trung Quốc nạo vét để đắp đảo thì trầm tích sẽ lan ra xung quanh và hủy hoại các vùng rạn san hô khác, không chỉ là diện tích chúng ta đã tính toán được qua ảnh vệ tinh. Sẽ còn nhiều diện tích xung quanh chịu tác động của suy thoái hệ sinh thái. Tác động này lớn và phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nhìn thấy”, ông Tuấn nói.

Trung Quốc phá, các nước khác phải làm gì để bảo vệ Biển Đông?

Đề cập đến những giải pháp “cứu” Biển Đông, Tiến sĩ Masanori Muto, đại diện Viện nghiên cứu Mitsubishi, Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản cho biết: “Phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế là tiền đề cơ bản cho những thảo thuận, hành động tiếp theo. Chúng ta cần phải hiểu rằng, các vấn đề về hải dương rất phức tạp, cần có sự tiếp cận liên ngành, liên giới. Có rất nhiều vấn đề như an ninh, khai thác, chủ quyền… nên sẽ rất khó để có tiếng nói toàn diện.

Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu từ một khía cạnh cụ thể nào đó, ví dụ như vấn đề môi trường. Dần dần chúng ta sẽ có tiếng nói chung, chia sẻ thông tin với nhau và tiến tới thỏa thuận cơ chế đặc biệt. Một bức tranh tổng thể về Biển Đông cần có nhiều nét vẽ”.

TS Muto

Tiến sĩ Masanori Muto, đại diện Viện nghiên cứu Mitsubishi, Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản.

Tiến sĩ Alberto Encomienda, nguyên tổng thư ký Trung tâm các vấn đề đại dương và hàng hải thuộc Bộ Ngoại giao Philippines thì cho rằng: “Nên có nhiều các cuộc tham vấn giữa giới khoa học với các nhà hoạch định chính sách về những vấn đề cụ thể như chia sẻ thông tin. Ngoài những quốc gia liên quan ở Biển Đông, chúng ta cũng nên tìm kiếm sự hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường để cùng chia sẻ với nhau, vạch ra đường hướng tiếp theo”.

Đồng quan điểm với tiến sĩ Encomienda, ông Duncan Currie, Tư vấn luật và chính sách quốc tế, Tổ chức Hòa bình Xanh cho rằng, các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… cần phải cùng nhau thảo luận về cách thức khai thác nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông trong khi không làm hủy diệt môi trường vùng biển này. Theo ông Currie, các buổi thảo luận cũng không nên bỏ qua Trung Quốc - nước được cho là thủ phạm chính gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường Biển Đông.

Ông Võ Sĩ Tuấn, thực tế, từ lâu nay, vấn đề bảo vệ môi trường ở Biển Đông đã được quan tâm nghiên cứu. Cụ thể, nằm trong kế hoạch bảo vệ an ninh môi trường biển, Dự án Ngăn ngừa xu hướng suy thoái môi trường Biển Đông và Vịnh Thái Lan đã đạt kết quả rất đáng ghi nhận khi vạch ra được chương trình hành động chiến lược cho việc bảo vệ môi trường Biển Đông.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay nằm ở việc chưa thể thông qua được Thỏa thuận khu vực về bảo vệ môi trường Biển Đông trong dự án của Quỹ môi trường toàn cầu và Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc. Văn bản này dự kiến được Bộ trưởng phụ trách môi trường của 7 nước tham gia dự án ký phê chuẩn. Tuy nhiên, cho đến khi kết thúc dự án, văn bản này chỉ có được chữ ký của các thành viên ban chỉ đạo – đại diện của các nước dưới sự điều phối của Cơ quan Ðiều phối về môi trường biển Đông Á (COBSEA)

“Điều này cho thấy, chặng đường để đạt được một thỏa thuận chung giữa các nước có liên quan về môi trường ở Biển Đông sẽ còn rất dài. Tuy nhiên, con đường này đã có điểm khởi đầu và chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng các bên có thể tiến thêm những bước mới để đạt được thỏa thuận này”, ông Tuấn nói.

Công viên đại dương ở Biển Đông có khả thi?

Về ý tưởng của Giáo sư McManus thành lập công viên bảo tồn ở Biển Đông, ông Tuấn cho biết, đối với Việt Nam, trong hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nam Yết chính là một điểm trong hệ thống, ngoài ra đảo Thuyền Chài cũng sẽ là một khu bảo tồn trong tương lai. Đây là hai khu vực có đa dạng sinh học rất cao và có thể đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Biển Đông.

VS Tuan

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, Nha Trang, Việt Nam.

Về phía Philippines, nước này cũng có những đề xuất thành lập khu bảo tồn biển, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Ý tưởng này được đánh giá là hoàn toàn khả thi và có thể được thực hiện trong tương lai.

Trong tình hình có rất nhiều các mối đe dọa như hiện nay, bản thân Việt Nam và Philippines là hai nước đã có những công viên bảo tồn ở Biển Đông thì các nhà khoa học nên có những khuyến nghị với chính phủ để tham gia hiệu quả vào bảo tồn sinh học ở vùng biển này.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn cho rằng, để ý tưởng thiết lập một công viên hòa bình ở Biển Đông có thể trở thành hiện thực, cần phải có các chuyến khảo sát hỗn hợp quốc tế đánh giá về tác động của các hoạt động đánh bắt thủy hải sản, nạo vét ở Biển Đông và lấy đó làm căn cứ thực hiện các bước đi tiếp theo.

“Để có một công viên mang tầm quốc tế thu hút sự tham gia của nhiều nước thì việc đầu tiên phải có đánh giá cụ thể xem công viên này có thể được thiết lập ở đâu, rộng bao nhiêu, ranh giới thế nào? Đây là ý tưởng tốt nhưng để thực hiện được cần phải có khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học bài bản. Thay vì những đánh giá chung chung bao trùm nhiều vấn đề như hiện nay, chúng ta cần tập trung vào việc đánh giá tiềm năng và xác định khu vực có thể thiết lập công viên hòa bình ở Biển Đông”, ông Tuấn nói.

 

GS McManus

Giáo sư John McManus, Đại học Miami, Mỹ

Không thể phủ nhận ý tưởng thiết lập một công viên hòa bình ở Biển Đông là rất hữu ích nhưng các học giả tham dự hội thảo“An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh” đều nhất trí rằng, việc hiện thực hóa ý tưởng này là “cực kỳ khó khăn” và không thể sớm thực hiện chỉ trong “ngày một ngày hai”./.

Nguồn: vov.vn, tuoitre.vn