category category News

Khóa tập huấn quốc tế “Áp dụng phương pháp phân tích hóa học để xác định độc tố Ciguatoxins (CTXs) trong cá rạn”, Nha Trang, 05 - 09/04/2018

ctx lab work

Trước tình hình ngộ độc thực phẩm biển dạng Ciguatera do tiêu thụ các loài cá sống rạn tích lũy độc tố vi tảo đang ngày càng gia tăng và trở thành một mối nguy cơ toàn cầu và thực trạng hạn chế về năng lực nghiên cứu và trang thiết bị chuyên biệt của hầu hết các nước khu vực Tây Thái bình dương (trừ Nhật Bản); Viện Hải dương học đã phối hợp với Tiểu ban Tây Thái bình dương của Ủy ban liên chính phủ về Hải dương học (IOC/WESTPAC) tổ chức khóa tập huấn IOC/WESTPAC “Áp dụng phương pháp phân tích hóa học để xác định độc tố Ciguatoxins (CTXs) trong cá rạn”.

Khóa tập huấn được tổ chức tại Phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Viện Hàn lâm về An toàn thực phẩm và môi trường khu vực miền Trung, Viện Hải dương học, số 01 Cầu Đá, Nha Trang, với hai mục tiêu chính: 1) Cập nhật kiến thức khoa học về sinh học, sinh thái và hóa độc tố các loài sinh vật biển chứa độc tố Ciguatoxin và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó, quản lý đối với ngộ độc Ciguatera trong khu vực; 2) Huấn luyện kỹ năng phân tích độc tố Ciguatoxins trong sinh vật biển phục vụ an toàn thực phẩm cho các thành viên các nước khu vực WESTPAC. Tham dự khoá học có tổng số 30 thành viên bao gồm 04 giảng viên nước ngoài, 11 học viên từ 08 nước trong khu vực và 15 học viên Việt Nam.

Khóa tập huấn diễn ra trong 05 ngày với 02 phần chính là lý thuyết (01 ngày) và thực hành phòng thí nghiệm (04 ngày). Phần lý thuyết bao gồm 9 báo cáo về hiện trạng ngộ độc và tình hình nghiên cứu về độc tố CTX của các thành viên đến từ 08 nước khu vực Tây Thái bình dương, và 05 bài giảng về sinh học, sinh thái, hóa học và nguyên tắc phân tích độc tố CTX. Phần thực hành phòng thí nghiệm, các học viên được hướng dẫn chi tiết và trực tiếp thực hiện các bước chiết rút, tinh sạch và phân tích độc tố CTXs từ mẫu vật (Cá Hồng) bằng hệ thống sắc ký lỏng đầu dò khối phổ kép (LC/MS-MS). Trong thời gian thực hiện các thí nghiệm và sau các buổi thí nghiệm, đều có phần thảo luận để các giảng viên giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm đối với những câu hỏi, thắc mắc và đánh giá số liệu thu thập, phân tích.

Cuối khóa học, Ban Tổ chức đã phát phiếu thăm dò ý kiến đánh giá của các học viên về tính hiệu quả của khóa học bao gồm nội dung, chất lượng giảng viên, cách tổ chức và mức độ đáp ứng nhu cầu của học viên. Ban tổ chức khóa học cũng đã thảo luận và thu thập đề xuất của học viên về những vấn đề các nước thành viên cần và mong muốn đối với dự án IOC/WESTPAC-TMO. Mặt khác, Ban Tổ chức cũng đề xuất sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước với dự án khu vực trong kế hoạch hành động 2018-2020.

Thông qua khóa tập huấn,năng lực nghiên cứu về độc tố CTXs và ngộ độc CFP của các nước thành viên WESTPAC đã được cập nhật, cải thiện; không chỉ về cơ sở khoa học sinh học, sinh thái và hóa học của độc tố CTXs mà còn về kỹ năng, quy trình thực nghiệm cần thiết trong phân tích độc tố CTXs. Phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về ATTP và môi trường khu vực miền Trung đã chứng minh sự đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về nhân lực, trang thiết bị và điều kiện phòng thí nghiệm trong nghiên cứu độc tố CTXs đối với Việt Nam và khu vực; và Việt Nam lần đầu tiên đã chứng tỏ được vai trò tiên phong và chủ đạo trong khu vực về năng lực nghiên cứu độc tố CTXs nhằm bảo đảm ATTP biển cho mục tiêu sử dụng bền vững nguồn lợi tài nguyên biển.

Một số hình ảnh khóa tập huấn:

kqth1

Khai mạc khóa học

 kqth2

Giảng viên và học viên trong buổi học đầu tiên về sinh học và sinh thái độc tố CTXs

kqth3

kqth4

kqth5

kqth6

Thực hành phân tích CTXs trong Phòng thí nghiệm trọng điểm
cấp Viện Hàn lâm về An toàn thực phẩm và môi trường khu vực miền Trung

 Nguồn: WESTPAC & IO