category category News

Ngày 13 tháng 9 năm 2019, tại Trung tâm Sinh học biển Phuket - Thái Lan, Hội thảo đào tạo của IOC/WESTPAC về “Dịch vụ dự báo đại dương để bảo tồn rạn san hô”, đã kết thúc với cam kết hợp tác và chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy phát triển hệ thống dự báo đại dương SEAGOOS về cảnh báo sớm hiện tượng tẩy trắng rạn san hô.

IOC Westpac Workshop on Coral bleaching 13 Sep 2019
Hội thảo diễn ra từ ngày 10 - 13/09/2019, với sự tham gia của 30 nhà khoa học đến từ các quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương (Việt Nam có 3 chuyên gia tham dự) chuyên về phát triển mô hình dự báo và bảo tồn rạn san hô.

Hệ sinh thái rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan đến san hô có tầm quan trọng đối với kinh tế và xã hội của các quốc gia ven biển. Khu vực Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là vùng biển Đông Nam Á, nơi có mật độ đa dạng sinh học rạn san hô cao nhất thế giới. Đây là nơi sinh sống của 75% các loài san hô trên toàn thế giới đã được các nhà khoa học biết đến. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng sức khỏe san hô đã suy giảm trong vài thập kỷ qua do tác động của con người và khí hậu. Và yếu tố tác động trực tiếp đến san hô là sự thay đổi nhiệt độ của nước biển, các rạn san hô rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi nhiệt độ bề mặt nước biển. Vì vậy, điều cần thiết là phải giám sát và dự đoán nhiệt độ bề mặt của nước biển, và phát triển các mô hình cảnh báo về các khả năng có thể gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô. Mô hình cảnh báo hiện tượng tẩy trắng san hô sẽ góp phần phát triển các chiến lược giảm thiểu và thích ứng lâu dài, hiệu quả trước hiện tượng biển đổi khí hậu.

Hội thảo cung cấp các thông tin về mô hình đại dương, tình trạng các rạn san hô trong khu vực, các hiện tượng tẩy trắng san hô, các nỗ lực giám sát và nghiên cứu có liên quan ở các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Thông qua các bài thuyết trình và thảo luận, các nhà khoa học trong khu vực đã bước đầu xây dựng các yếu tố cần thiết cho mô hình dự báo về tẩy trắng san hô. Một phiên bản thử nghiệm của Hệ thống cảnh báo tẩy trắng san hô Thái Lan - được phối hợp phát triển và thử nghiệm bởi nhóm Hệ thống dự báo đại dương và PMBC - cũng được trình bày tại Hội thảo. Các bài tập thực hành về việc sử dụng phần mềm Panoply để xử lý dữ liệu có sẵn ở định dạng NetCDF để tạo ra các sản phẩm dữ liệu hữu ích cũng được nhà khoa học quan tâm.

Thông qua các thảo luận sôi nổi trong suốt hội thảo và sự hợp tác, chia sẻ dữ liệu, bước đầu đã đặt nền móng cho hệ thống cảnh báo tẩy trắng san hô quy mô khu vực bao gồm cả Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Đặc biệt nhấn mạnh làm thế nào hệ thống cảnh báo tẩy trắng san hô trở thành một công cụ hỗ trợ cho các quyết định chính sách, cung cấp thông tin kịp thời cho các nhà hoạch định chính sách, quản lý tài nguyên và nhà khoa học để có biện pháp ứng phó trước hiện tượng san hô bị tẩy trắng.

Hội thảo kết thúc với các cam kết từ các quốc gia trong việc chia sẻ các nghiên cứu khoa học, dữ liệu và thông tin về tẩy trắng san hô để tiếp tục phát triển hệ thống cảnh báo tẩy trắng san hô khu vực.

Hội thảo được tổ chức phối hợp dưới sự tài trợ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Thái Lan, Trung tâm Sinh học biển Phuket và Bộ Tài nguyên biển và Ven biển Thái Lan.

(Nguồn IOC/WESTPAC)