Sáng ngày 23/12, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp cấp cao chuẩn bị cho “Diễn đàn đối thoại chính sách biển Việt Nam – Nhật Bản năm 2021”, cuộc họp do Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Ông Hamada Takashi, Ủy viên Hội đồng, Ban Thư ký Chính sách Đại dương Quốc gia, văn phòng nội các Nhật Bản; Ông Kakinuma Shunji đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội đồng chủ trì.
Thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối của Chính phủ trong quản lý tổng hợp về tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế để tăng cường năng lực quản lý nhà nước về biển, trong đó Nhật Bản được coi là đối tác ưu tiên số một do thế mạnh của Nhật Bản trong lĩnh vực này và dựa trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm cho biết, từ tháng 10/2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, tại chuyến công tác lần này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ trưởng Nội các phụ trách chính sách đại dương Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, trong đó có nội dung về “triển khai hợp tác bằng cách trao đổi thông tin thông qua các hình thức tổ chức các cuộc họp Đối thoại chính sách hàng năm cấp Bộ trưởng về chính sách biển và đại dương”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm;
Ủy viên Hội đồng, Ban Thư ký Chính sách Đại dương Quốc gia, văn phòng nội các Nhật Bản - Ông Hamada Takashi;
đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội - Ông Kakinuma Shunji đồng chủ trì cuộc họp
Nhằm tiếp tục khẳng định mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Diến đàn đối thoại chính sách Biển Việt Nam – Bản được tổ chức luân phiên hàng năm là dịp để hai bên trao đổi thông tin, cùng với đó là đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề và thúc đẩy các hoạt động hợp tác tiếp theo một cách hiệu quả, góp phần triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII về hội nhập quốc tế sâu rộng và thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Thông qua cuộc họp, các bên cùng thảo luận, trao đổi để cùng nhau thống nhất các vấn đề liên quan và đề xuất các nội dung chuẩn bị Diễn đàn cấp Bộ trưởng về chính sách biển và đại dương năm 2021. Đây cũng là dịp để các bên cùng chia sẻ quan điểm, nhận thức, các cơ quan liên quan của hai Chính phủ tiếp nhận được những thông tin mới về công tác quản lý, chính sách pháp luật biển và đại dương.
Về phía Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam về xây dựng thể chế chính sách pháp luật trong quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Tại cuộc họp, Nhật Bản cũng thông tin đến Việt Nam những thay đổi về nhân sự cùng một số thay đổi về phương thức quản lý biển. Trong đó, Chính phủ Nhật Bản đang hướng mạnh đến phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp, khai thác năng lượng tái tạo, tận dụng luồng gió phát điện, cùng với đó là duy trì bảo vệ hệ sinh thái, môi trường biển. Hiện nay, Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy dự án liên quan đến vi nhựa, rác thải nhựa và đưa ra những chế tài tuân thủ rất nghiêm ngặt.
Để chuẩn bị tốt cho Diễn dàn sắp tới, tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai chính phủ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã đưa ra các đề xuất tập trung vào các nội dung chính: (I)-Về dự án “Tiếp nhận tàu nghiên cứu khoa học biển do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại” đề nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét cung cấp viện trợ không hoàn lại trong năm 2021 để thực hiện dự án. (II)-Về việc tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia, thủy thủ và kỹ thuật viên trong quản lý, vận hành tàu nghiên cứu khoa học biển và công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển: (1)-Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các đợt học tập, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia khoa học trong quản lý, vận hành các trang thiết bị công nghệ khoa học tiên tiến về điều tra cơ bản biển và hải đảo giữa hai nước. (2)-Giúp đỡ tập huấn cho đội ngũ kỹ thuật viên, thủy thủ trong quá trình vận hành các tàu nghiên cứu khoa học biển và sử dụng các thiết bị khảo sát, nghiên cứu tại các cơ sở thực tế ở Nhật Bản.(3)- Đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật về máy móc, trang thiết bị khảo sát, điều tra cơ bản ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Cùng trao đổi và thảo luận tại cuộc họp, các bên đã nhất trí với những đề xuất nêu trên, thống nhất thúc đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục pháp lý để Việt Nam sớm được tiếp nhận con tàu nghiên cứu khoa học biển mang tên Kaiyo Maru 2 và các hỗ trợ khác từ phía Nhật Bản về đào tạo nhân lực có chuyên môn cao và thiết bị điều tra, khảo sát, phân tích rác thải nhựa đại dương.
(Nguồn thông tin Tổng cục Biển và Hải đảo việt Nam)