category category News

Cơ quan Quyền lực Quốc tế về Đáy biển (International Seabed Authority - ISA)

Cơ quan Quyền lực Quốc tế về Đáy biển (ISA) là tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Kingston, Jamaica, được thành lập để tổ chức, quản lý và kiểm soát tất cả các hoạt động liên quan tới việc khai thác tài nguyên ở vùng đáy biển quốc tế nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán trên biển của quốc gia. Tổ chức này được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (The United Nations Convention on the Law of the Sea - UNCLOS 1982). Hiện nay, ISA có 167 thành viên và Liên minh châu Âu (EU), tức bao gồm tất cả các bên đã tham gia UNCLOS.

Ngày 2/9/2022, trang thông tin của Cơ quan Quyền lực Quốc tế về Đáy biển (ISA) đã công bố Quyết định của Hội đồng ISA chính thức thông qua danh sách thành viên Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật (LTC - Legal and Technical Commission) nhiệm kỳ 2023-2027.

Theo đó, PGS. TS. Đào Việt Hà, ứng cử viên của Việt Nam, đã trúng cử trở thành thành viên của LTC/ISA cho nhiệm kỳ này. PGS. TS. Đào Việt Hà đang giữ chức vụ Viện trưởng Viện Hải dương học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), và là Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Hải dương học Việt Nam. Bà từng chủ trì thực hiện nhiều dự án quốc tế về hải dương học, và đảm nhiệm vị trí Trưởng dự án hợp tác quốc tế về độc tố biển trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Dr Dao Viet Ha LTC

PGS. TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học (thuộc Viện Hàn lâm KHCN VN),
Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Hải dương học Việt Nam

41 thành viên đắc cử LTC/ISA nhiệm kỳ 2023-2027 đến từ các nước: Togo, Ghana, Nigeria, Kenya, Namibia, Sierra Leone, Ai Cập, Tanzania, Cameroon và Uganda (đại diện khu vực Châu Phi); Saudi Arabia, Philippines, Fiji, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Tonga, Trung Quốc và Việt Nam (đại diện khu vực Châu Á-Thái Bình Dương); Australia, Pháp, Bồ Đào Nha, New Zealand, Anh, Na Uy, Tây Ban Nha, Bỉ và Đức (đại diện khu vực Tây Âu và các nước khác); Chile, Cộng hoà Dominican, Trinidad and Tobago, Argentina, Mexico, Brazil, Costa Rica và Jamaica (đại diện khu vực Mỹ Latinh và Caribe); Nga, Ba Lan, Ukraine và Cộng hoà Czech (đại diện khu vực Đông Âu).

LTC được giao phó các chức năng khác nhau liên quan đến các hoạt động trong Vùng đáy biển quốc tế (“Vùng”), bao gồm, việc xem xét các đơn xin lập kế hoạch làm việc, giám sát các hoạt động thăm dò hoặc khai thác (bao gồm cả việc xem xét các báo cáo hàng năm do các nhà thầu đệ trình), phát triển các kế hoạch quản lý môi trường, đánh giá các tác động môi trường của các hoạt động trong “Vùng”, xây dựng và duy trì việc xem xét các quy tắc, quy định và thủ tục liên quan đến các hoạt động trong “Vùng”, và đưa ra khuyến nghị cho Hội đồng ISA về tất cả các vấn đề liên quan đến thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên biển phi sinh vật.

UNCLOS 1982 - Cơ sở pháp lý quản lý vùng đáy biển quốc tế

Theo Điều 1(1) UNCLOS Vùng đáy biển quốc tế – tên gọi chính thức là Vùng (the Area) - là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia - được xác lập theo Công ước UNCLOS 1982, bên cạnh vùng nước quần đảo và vùng đặc quyền kinh tế.

Phạm vi địa lý

Điều 1(1) UNCLOS quy định vùng đáy biển quốc tế là “vùng đáy biển và đáy đại dương và lòng đất phía dưới bên ngoài phạm vi giới hạn thẩm quyền quốc gia”. Do thẩm quyền quốc gia của quốc gia ven biển chỉ mở rộng đến ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, do đó, vùng đáy biển quốc tế được hiểu đơn giản là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo định nghĩa trên, phạm vi của vùng đáy biển quốc tế sẽ chỉ được xác định sau khi ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định trước. Đối với vùng đặc quyền kinh tế, ranh giới được xác định là 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

So do cac vung bien UNCLOS 1

(Nguồn https://iuscogens-vie.org/)

Theo UNCLOS, toàn bộ đại dương trên thế giới được chia thành 2 bộ phận. Bộ phận thứ nhất là các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước ven biển (phần cột nước chia thành nội thuỷ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Còn phần dưới cột nước gọi là thềm lục địa). Bộ phận thứ 2 là các vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế. Điểm chung của bộ phận thứ 2 này là không thuộc bất cứ nước nào. Nhưng lại có chỗ khác nhau là vùng biển quốc tế thì tự do khai thác, còn đáy biển quốc tế thì không được tự do khai thác.

Quy chế pháp lý quốc tế của Vùng đáy biển quốc tế (Vùng)

Điều 136 UNCLOS quy định “Vùng và tài nguyên của Vùng là di sản chung của nhân loại.” Các nguyên tắc quản lý “Vùng” được quy định tại các Điều từ 136 đến Điều 149 của UNCLOS. Theo đó, không một quốc gia nào được phép yêu sách hay thực thi chủ quyền hay quyền chủ quyền đối với bất kỳ phần nào của Vùng và tài nguyên của Vùng. Tất cả các yêu sách hay việc thực thi đó đều không có giá trị pháp lý. Tất cả các quyền đối với tài nguyên của Vùng thuộc về toàn thể nhân loại, mà trên danh nghĩa đó, Cơ quan Quyền lực Quốc tế về Đáy biển (ISA) sẽ đại diện quản lý. Tất cả các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên của Vùng phải được tiến hành vì lợi ích của toàn thể nhân loại và ISA sẽ tiến hành việc phân chia công bằng các lợi ích tài chính và kinh tế có được từ hoạt động thăm dò, khai thác ở Vùng. Mọi hoại động hay sử dụng Vùng phải vì mục đích hòa bình trên cơ sở bình đẳng giữa tất cả các quốc gia theo đúng quy định của Công ước UNCLOS 1982.

(Hải Yến - Viện Hải dương học tổng hợp thông tin)

Tài liệu tham khảo

International Seabed Authority, 2022. About ISA, https://www.isa.org.jm/about-isa

The United Nations Convention on the Law of the Sea - UNCLOS 1982. https://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/unclos_e.pdf 
https://iuscogens-vie.org/2018/02/25/63/ 

The Legal and Technical Commission, 2022. About The Legal and Technical Commission https://www.isa.org.jm/authority/legal-and-technical-commission 

Chu Văn, BNG, 2022. PGS. TS. Đào Việt Hà, ứng cử viên của Việt Nam, đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật cho nhiệm kỳ này. https://baoquocte.vn/viet-nam-trung-cu-vao-uy-ban-phap-ly-va-ky-thuat-co-quan-quyen-luc-quoc-te-day-dai-duong-198057.html