WESTPAC đã tổ chức Hội thảo tập huấn của WESTPAC về Phân bố, nguồn gốc, sự hủy diệt và tác động của các vi hạt nhựa (MP) trong đại dương tại Trung tâm Sinh học Biển Phuket, Thái Lan, trong thời gian từ ngày 20-22/9/2017, với sự tài trợ chính của UBQG UNESCO Thái Lan.
Những mảnh nhựa trong đại dương gây tổn hại cho động vật hoang dã và tham gia vào chuỗi thức ăn khi được cá ăn vào bụng. Ảnh: Bryce Groark/Alamy/theguardian
Tại hội thảo, các đại biểu đã khẳng định quyết tâm cao nhất trong việc sẵn sàng phối hợp thực hiện một chương trình nghiên cứu và quan trắc MP trong khu vực.
Các vi hạt nhựa là các mảnh nhựa nhỏ được tìm thấy trong đại dương, thường có kích thước nhỏ hơn 5mm. Vì kích thước rất nhỏ nên rất nhiều loài sinh vật biển như thú biển, chim biển, rùa biển, cá và động vật không xương sống có thể đã ăn và tích tụ trong cơ thể của chúng. Trong những năm gần đây thế giới đã quan tâm ngày càng nhiều tới sự tồn tại của các vi hạt nhựa trong môi trường đại dương và những ảnh hưởng tiềm tàng của chúng tới sức khỏe của con người.
Trong báo cáo tại hội thảo, Tiến sĩ Won Joon Shim từ Viện Khoa học và Công nghệ biển Hàn Quốc (KIOST) đã phát biểu “Chúng ta đang ăn những thứ mà chúng ta đã vứt đi” và đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm MP trên biển.
Ô nhiễm MP trên biển gắn liền với tình trạng gia tăng dân số, sản xuất và quản lý hạt nhựa. Các nước đang nổi trong khu vực Châu Á và một số nước trong khu vực sẽ được xếp vào danh sách những nước gây ra ô nhiễm MP trên biển nhiều nhất nếu không có những hành động đối phó kịp thời.
Nhận thấy những hiểu biết trong khu vực về chu trình và chuyển động tổng thể của các vi hạt nhựa trong môi trường biển còn hạn chế, WESTPAC đã tiến hành những bước khởi động đầu tiên nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu và các quốc gia trong khu vực, với mục đích xây dựng những mạng lưới quan trắc và nghiên cứu MP trong môi trường biển; và xây dựng một kế hoạch phối hợp quan trắc và nghiên cứu MP trong môi trường biển.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các quốc gia trong khu vực, bằng chứng là đã có khoảng 50 chuyên gia từ 10 nước trong khu vực tham dự, trong đó có 2 đại biểu Việt Nam là cán bộ của Viện Hải dương học. Trong ba ngày hội thảo, các đại biểu đã tập trung xem xét đánh giá hiện trạng của các vi hạt nhựa trong môi trường biển trên quy mô toàn cầu và được cung cấp một các nhìn khái quát, tổng quan về những phương pháp và cách thức chuẩn hiện nay đang sử dụng để thu mẫu và phân tích vi hạt nhựa trong phòng thí nghiệm.
Theo báo cáo về hiện trạng của các vi hạt nhựa trong môi trường biển trên quy mô toàn cầu, các nước trong khu vực được chia thành 3 nhóm: Nhóm I là các quốc gia đã có nhiều nghiên cứu MP bao gồm Hàn Quốc và Trung Quốc (trong đó Hàn Quốc là một trong những nước đi đầu nghiên cứu về MP trên cả thế giới); Nhóm II (bao gồm các nước Thái Lan, Singapore, Indonesia, và Malaysia) đã có một số nghiên cứu về MP; Nhóm III bao gồm các nước chưa bắt đầu nghiên cứu (Bangladesh, Philippines, Srilanka và Việt Nam).
Sau khi nghe những báo cáo về những nghiên cứu và giám sát vi hạt nhựa của vác viện nghiên cứu và các quốc gia, các đại biểu hội thảo đã thực hành và thảo luận để xây dựng một kế hoạch làm việc phối hợp cho giai đoạn tiếp theo.
Hội thảo đã đem lại một kết quả rất tích cực đó là tất cả các đại biểu đều quyết tâm xây dựng những quy trình hướng dẫn thu thập và phân tích mẫu vi hạt nhựa trên bãi biển, trên mặt nước biển và trong sinh vật biển. Đã có trên 50 điểm (bãi biển) được đề xuất để thử nghiệm thu mẫu, phối hợp với thu mẫu trầm tích bãi biển và hai nhóm làm việc được thành lập để xây dựng quy trình hướng dẫn thu thập và phân tích mẫu vi hạt nhựa trên mặt nước biển và trong sinh vật biển như những khởi động đầu tiên để thực hiện chương trình.
Căn cứ vào các tiêu chí, yêu cầu của chuyên gia, cùng với tham khảo tình hình thực tế và tính khả thi, các chuyên gia của Việt Nam đã đề xuất 3 điểm nghiên cứu thử nghiệm trong thành phố Nha Trang: bãi biển phía sau Viện Hải dương học, 2 trạm còn lại ở phía Nam và phía Bắc bãi biển Nha Trang.
Về các phương án khả thi đối với hợp tác nghiên cứu và giám sát MP trong khu vực: các nước thành viên thống nhất cùng nhau thực hiện các bước nghiên cứu MP cơ bản, đơn giản đối với mảnh vi nhựa lớn (large MP) kích thước từ 1 - 5mm. Các thành viên thuộc Nhóm I và Nhóm II sẽ bắt đầu nghiên cứu các mảnh vi nhựa nhỏ hơn, bên cạnh cùng thực hiện nghiên cứu các mảnh vi nhựa lớn như trên với các thành viên còn lại. Trong vòng 30 ngày sau hội thảo, nhóm chuyên gia sẽ ban hành một số quy trình hướng dẫn thu thập và phân tích mẫu phục vụ nghiên cứu MP. Sau khi thực hiện các bước nghiên cứu đơn giản tại các điểm thử nghiệm đã được thống nhất, các thành viên sẽ trao đổi kết quả nghiên cứu, cũng như các khó khăn, thuận lợi vào hội thảo sau, dự kiến tổ chức vào khoảng tháng 08/2019 tại Thượng Hải, Trung Quốc.