Khóa tập huấn của WESTPAC về Mã vạch DNA đơn và siêu mã vạch DNA (mã vạch hỗn hợp) đã được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo khu vực WESTPAC về Đa dạng Sinh học và Sức khỏe Hệ sinh thái biển (RTRC-MarBEST), Trung tâm Nghiên cứu Hải dương học, Viện Khoa học Indonesia, Jakarta, Indonesia, từ ngày 25/9-6/10/2017.
Tổng cộng có 21 học viên là các nhà khoa học trẻ tham gia đến từ các quốc gia: Banglades, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Philipin, Singapore, Trung Quốc và Việt Nam.
Hai học viên Việt Nam tại Khóa đào tạo: TS. Đào tấn Học và TS. Phạm Thị Miền (Viện Hải dương học)
Trong thời gian tập huấn, các học viên đã được nghe các bài giảng lý thuyết, thực nghiệm thu mẫu (cá, động vật không xương sống, động vật phù du và mẫu nước) tại các đảo Pari và Burung, sau đó thực hành phân tích tại phòng thí nghiệm di truyền học tại RTRC-MarBEST.
Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia giảng viên đến từ nhiều quốc gia bao gồm: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Nam Phi, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia, các học viên đã nắm được các lý thuyết cũng như các kỹ thuật cơ bản cho việc ứng dụng mồi đơn, mồi đặc hiệu và mồi đa năng cho việc xác định mã vạch DNA đơn của cá và động vật không xương sống, cũng như việc xác định mã vạch hỗn hợp của động vật phù du và cá sống trong vùng nước được thu mẫu.
Một số hình ảnh của Khóa đào tạo
Ngoài ra, các học viên cũng đã được tham quan trung tâm giải trình tự và tìm hiểu các phương pháp phân tích di truyền phổ biến trên thế giới hiện nay. Thông qua khóa học này, các học viên đã có được cái nhìn khái quát về xu hướng sử dụng kỹ thuật di truyền trong các nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học biển, xây dựng được một mạng lưới khu vực về nghiên cứu đa dạng sinh học biển và nâng cao hiểu biết về Phân loại Phân tử dựa vào nghiên cứu Mã vạch đơn và siêu mã vạch DNA.