category category Tin tức

Tại Hội thảo khởi động pha 2 của Dự án “Nâng cao năng lực trong việc xác định loài và phân tích gen các loài sinh vật sống trong các hệ sinh thái rạn san hô trong khu vực WESTPAC” (DRMREEF-II) tổ chức tại Thanh Đảo, Trung Quốc, 01.12.2016, các nhà khoa học trong khu vực đã đặt ra mục tiêu phải nâng cao năng lực của quốc gia và khu vực trong việc xác định loài bằng phương pháp gen gọi là “Mã vạch DNA”.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học của 7 viện nghiên cứu và trường đại học thuộc 6 quốc gia là thành viên của dự án, bao gồm: Viện Khoa học Indonesia (Indonesia), Đại học Sains Malaysia (Malaysia), Đại học Mindanao (Philippines), Viện Khoa học và Công nghệ Biển Hàn Quốc (Hàn Quốc), Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), Trung tâm Sinh học Biển Phuket (Thái Lan), và Viện Hải dương học (Việt Nam).

Theo GS Youn-Ho Lee, Viện Khoa học và Công nghệ Biển Hàn Quốc, chủ trì dự án: pha 1 của dự án đã đạt được một số kết quả nhất định và hiện nay nhu cầu tăng cường khả năng sử dụng phương pháp gen trong việc xác định loài của các viện nghiên cứu và trường đại học thành viên dự án ngày càng tăng. Kết quả ban đầu của dự án đã đóng góp đáng kể vào những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Công tác phân loại hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt trong bối cảnh thiếu các nhà phân loại giỏi. Vì vậy phát triển phương pháp “Mã vạch DNA” thực sự là một công cụ hữu ích đặc biệt trong việc xác định nhanh những mẫu vật chưa được xác định với những loài đã biết.

Sau khi thảo luận, Hội thảo đã thống nhất đưa ra một kế hoạch hành động trong Pha 2 là phải tăng cường hơn nữa những nỗ lực trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu. Một loạt các khóa đào tạo sẽ được tổ chức ở cả mức độ khu vực và quốc gia. Khóa đào tạo khu vực sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo khu vực của IOC về Đa dạng Sinh học và Sức khỏe Hệ sinh thái biển (RTRC-MarBEST) tại Indonesia vào năm 2017, các khóa đào tạo cấp quốc gia sẽ được tổ chức tại các khu vực thí điểm của dự án Axit hóa đại dương của WESTPAC tại Thái Lan và Việt Nam vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018 để giám sát những tác động sinh thái của hiện tượng axit hóa đại dương lên các rạn san hô. Các khóa đào tạo sẽ bao gồm cả những bài tập thực hành thu thập mẫu vật, chiết xuất DNA, phân tích số liệu với những số liệu sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về sinh vật biển sống trong hệ sinh thái rạn san hô của quốc gia.

Dự án DRMREEF (pha 1 có tên là Phân loại sinh vật san hô bằng DNA) của WESTPAC được thực hiện từ năm 2012. Mục tiêu của dự án nhằm: Đánh giá sinh vật biển sống trong khu vực tam giác san hô và các rạn san hô trong vùng lân cận; Phát triển phương pháp đánh dấu gen gọi là mã vạch DNA của mỗi loài với mục đích nhận dạng; và Giám sát sự bổ sung các sinh vật biển vào trong các rạn san hô.

hoi thao DRMREEF II