Viện Hải dương học đã phối hợp với Phân ban Tây Thái Bình Dương, Ủy ban Liên chính phủ về hải dương học (IOC/WESTPAC) tổ chức hội thảo “Hướng tới sự phát triển trong tương lai của khoa học nghiên cứu sự nở hoa của tảo độc hại trong khu vực Tây Thái Bình Dương: Những vấn đề chúng ta biết và chưa biết về sự nở hoa của tảo độc hại” tại Viện Hải dương học, Nha Trang, trong thời gian từ 19 - 21/12/2016.
Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết những kiến thức hiện có về hiện tượng nở hoa của các loài vi tảo độc hại trong khu vực, xác định những kiến thức khoa học còn thiếu và các phương pháp tiếp cận cần tập trung nghiên cứu và xây dựng một chiến lược nghiên cứu sự nở hoa của các loài vi tảo độc hại trong tương lai.
Tham gia hội thảo có 18 chuyên gia nước ngoài đến từ các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương và 5 chuyên gia Việt Nam.
Trong 3 ngày hội thảo, các chuyên gia đã trình bày 27 báo cáo về hiện trạng nở hoa của tảo độc hại trong các nước trong khu vực, cập nhật các thông tin, kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp quản lý sự nở hoa của tảo độc hại, vạch ra kế hoạch hành động theo định hướng nghiên cứu về sự nở hoa của tảo độc hại trong tương lai trong mối liên kết với các tổ chức quốc tế khác về tảo độc hại.
Hội thảo cũng thống nhất phải tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các viện nghiên cứu và các quốc gia trong khu vực.
Ngay sau hội thảo, phải tiến hành thực hiện ngay những hoạt động sau:
1. Chia sẻ thông tin qua các trang web và các tài liệu xuất bản để các nước thành viên có thể được hưởng lợi ích từ những kiến thức hiện có, những bài học kinh nghiệm rút ra từ những sự cố nở hoa của tảo độc trước đây và bổ sung thêm những yếu tố còn thiếu.
2. Nâng cao năng lực nhằm đáp ứng được nhu cầu của các nước thành viên trong nghiên cứu về HAB.
3. Hỗ trợ kỹ thuật sẽ được cung cấp cho nước thành viên nếu có đề nghị sự trợ giúp từ các chuyên gia về HAB của WESTPAC khi xuất hiện hiện tượng nở hoa của tảo độc.