category category Tin tức

Đề tài "Đánh giá đa dạng sinh học khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang" do Viện Hải dương học thực hiện. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Viện Hải dương học - Chủ nhiệm đề tài, với hơn 812ha diện tích các hệ sinh thái tiêu biểu; 6 loài cây ngập mặn thực thụ; 7 loài cỏ biển; 115 taxa (đơn vị phân loại) động vật đáy trên các thảm cỏ biển; 504 loài sinh vật rạn san hô đã được ghi nhận cho thấy vịnh Nha Trang có tiềm năng đa dạng cao so với nhiều vùng khác ven bờ Việt Nam.

vinh nha trang

Nghiên cứu của đề tài cho thấy, giai đoạn 2002 - 2015, thảm cỏ biển mất 64ha (45%) và rạn san hô bị mất 117,4ha (13,5%). Độ phủ san hô cứng duy trì ổn định toàn vùng nhưng số lượng rạn xấu và rất xấu tăng theo thời gian. Nguồn lợi động vật đáy và cá rạn có giá trị chưa có dấu hiệu phục hồi. Quần xã sinh vật rạn san hô trong năm 2015 bị giảm mạnh cả về độ giàu và phong phú (50%) so với năm 2002, đáng kể nhất là san hô tạo rạn và rong lớn. Tương tự, thảm cỏ biển (mật độ, động vật đáy như thân mềm, giáp xác, da gai…) cũng bị suy giảm độ phủ. Như vậy, sau 15 năm quản lý, nguồn lợi sinh vật chưa có dấu hiệu phục hồi.

Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về thể chế và chính sách, gồm: điều chỉnh phân vùng chức năng; xây dựng cơ chế phối hợp; hướng dẫn sử dụng; xây dựng kế hoạch quản lý tài nguyên.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực quản lý nguồn giống; đa dạng phương thức quản lý; quản lý sản lượng, kích thước, mùa vụ khai thác; phục hồi hệ sinh thái; giám sát tài nguyên. Ngoài ra, quan tâm đầu tư khoa học và công nghệ; đào tạo đội ngũ cán bộ; truyền thông và giáo dục nâng cao nhận thức cho các thành phần sử dụng và xây dựng cơ chế tài chính bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên đa dạng sinh học trong thời gian tới.

Đề tài vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa nghiệm thu và giao UBND TP. Nha Trang bàn giao kết quả đề tài cho các Sở Tài nguyên và Môi trường; Khoa học Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Du lịch để quản lý, ứng dụng.

Nguồn: http://www.monre.gov.vn/