category category Tin tức

Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học, Nha Trang đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu thiết lập rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô ở khu vực mũi Bàng Thang” nằm về phía Tây đảo Hòn Tre, thuộc vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

phuc hoi san ho

Đề tài này được tiến hành trong 3 năm (10/2013 – 9/2016) với tổng kinh phí trên 940 triệu đồng. Mục đích của đề tài này là xây dựng mô hình rạn nhân tạo hướng đến nhiều mục tiêu, bao gồm phục hồi và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học biển, đặc biệt là kết hợp để phát triển ngành du lịch lặn biển.

Theo đó, đề tài đã thiết kế và thử nghiệm rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô tạo cảnh quan cho du lịch lặn biển vịnh Nha Trang; xây dựng khu rạn nhân tạo đa chức năng với 100 giá thể bằng bê tông ở phía Nam Hòn Đen, thuộc khu vực mũi Bàng Thang với chiều dài 150m để trồng phục hồi san hô, cũng như mở rộng san hô ở nền đáy trong khu vực với tổng diện tích 4.000m2; phục hồi thành công 3 loài san hô có tỷ lệ sống cao trên 60% đồng thời tham gia phục hồi tại chỗ một giống san hô khác. Đề tài cũng đã xây dựng mô phỏng các quá trình động lực đánh giá tác động ảnh hưởng của công trình rạn nhân tạo, đối với giảm sóng ở bãi tắm Nha Trang.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa đánh giá đây là đề tài nghiên cứu khoa học lần đầu tiên áp dụng xây dựng mô hình rạn san hô nhân tạo đa mục tiêu, kết hợp khoa học liên ngành tài nguyên thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học. Về môi trường, mô hình mang lại đa dạng sinh học cho môi trường biển, tăng cường nguồn lợi thủy sản và phát triển du lịch biển; bước đầu cung cấp cơ sở khoa học cho việc đánh giá khả năng việc xây dựng rạn nhân tạo đối với các bãi tắm.

Về khoa học và công nghệ, mô hình góp phần vào việc phát triển khoa học công nghệ biển, góp phần vào bảo vệ môi trường, tăng cường nguồn lợi thủy sản, đa dạng hóa hệ sinh thái và phát triển ngành du lịch lặn biển. Đề tài cho thấy có thể áp dụng nhiều nơi trong vùng ven bờ biển và hải đảo của các tỉnh ven biển có nhu cầu. Đối với các hiệu quả về kinh tế-xã hội, đề tài phát triển khía cạnh mới trong việc bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, đa dạng hóa hệ sinh thái; phát triển ngành du lịch lặn biển. Do vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài ngoài việc có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các địa phương ven biển, làm cơ sở để mở rộng các mô hình phục hồi rạn san hô trong vịnh, cũng như tại các vùng biển ở Khánh Hòa và nhiều địa phương khác./.

Nguồn: http://monre.gov.vn; https://khcn.mard.gov.vn/