category category Tin tức

Phiên họp lần thứ 11 của Tiểu ban Tây Thái Bình Dương (WESTPAC) của Ủy ban liên Chính phủ về Hải dương học (IOC) đã được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 4 năm 2017, tại Thanh Đảo, Trung Quốc ngay sau Hội nghị Khoa học Quốc tế lần thứ 10 của WESTPAC. Đây là cuộc họp định kỳ quan trọng của IOC/WESTPAC theo nhiệm kỳ hai năm một lần nhằm đánh giá, tổng kết các hoạt động của IOC/WESTPAC trong giai đoạn 2015-2017, thảo luận và thông qua các nội dung, kế hoạch hoạt động của Tiểu ban trong giai đoạn 2018-2019 và bầu lại ban lãnh đạo của Phân ban nhiệm kỳ 2017-2019.

toan canh sess 01

Gần 100 đại biểu đến từ 15 nước thành viên (Bangladesh, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, Malaysia, Nga, Nhật Bản, Philippine, Thái Lan, Srilanca, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam), các nước quan sát viên (Campuchia, Myanmar) và các đối tác trong khu vực đã tham dự phiên họp. Đoàn đại biểu Việt Nam gồm:

1. PGS.TS. Bùi Hồng Long, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia IOC Việt Nam, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam;
2. PGS. TS. Võ Sĩ Tuấn, Phó Chủ tịch IOC/WESTPAC, Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam;
3. TS. Đào Việt Hà, Chủ nhiệm đề tài IOC/WESTPAC “Độc tố sinh vật biển và an toàn thực phẩm biển”, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.

Phiên họp của IOC/WESTPAC là cuộc họp liên chính phủ, nhằm mục đích tập hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các quốc gia và các cộng đồng khoa học, tăng cường trao đổi chính sách về khoa học, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học, quan trắc và dịch vụ biển, tăng cường năng lực cho các viện nghiên cứu để có thể giải quyết những vấn đề cấp bách, hướng tới phát triển bền vững trong khu vực Tây Thái Bình Dương và các vùng lân cận, đặc biệt hướng tới Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030.

group photo sess 01

Trong quá trình xem xét, đánh giá sự phát triển chiến lược vừa qua của IOC trong một số khuôn khổ chương trình quốc tế, bao gồm cả Chương trình và kinh phí giai đoạn 2018-2019 của UNESCO, Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Mục tiêu phát trển bền vững số 14 của nó, Đa dạng sinh học biển ngoài khu vực tài phán quốc gia (BBNJ), và đề xuất của chương trình này về Thập kỷ Khoa học Đại Dương Quốc tế vì sự Phát triển bền vững (2020-2030), Tiểu ban đã khẳng định vai trò của WESTPAC và cam kết cố gắng hơn nữa trong việc phát triển và thực hiện những chương trình này với quan điểm là một cầu nối chiến lược giữa các mục tiêu toàn cầu của IOC và các chương trình, hành động ở mức độ quốc gia. Tiểu ban đã quyết định phải thực hiện ngay một số biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả và tính khả thi của các chương trình.

Phiên họp đã nghe các báo cáo và tiến hành các trao đổi, thảo luận, đánh giá các kết quả hoạt động nghiên cứu của các đề tài, chương trình khu vực và hoạt động của các nhóm công tác trong giai đoạn từ 5/2015 - 04/2017, theo các các lĩnh vực:

Các quá trình đại dương và khí hậu khu vực Ấn độ - Thái Bình Dương: Chương trình Quan trắc Đại dương Đông Bắc Châu Á (NEAGOOS); Chương trình Quan trắc Đại dương Đông Nam Châu Á (SEAGOOS) (bao gồm 3 dự án: Hệ thống Dự báo Đại Dương (OFS); Hệ thống quan trắc hình thành gió mùa và tác động sinh thái và kinh tế- xã hội; Giám sát tác tác động sinh thái của axít hóa đại dương lên hệ sinh thái san hô); Tương tác Khí quyển – Đại dương lên sự mở rộng hệ thống Kurosiovà tác động khí hậu của nó; Nghiên cứu nước trồi bằng tích hợp tài liệu phục vụ cho bảo vệ sức khỏe và khai thác hiệu quả đại dương; Trầm tích lục địa của Biển Đông và sự thay đổi môi trường; Sự thay đổi môi trương Ấn độ - Thái Bình Dương và tương tác biển khí (IPOVAL); Nghiên cứu cơ sở hình thành dự án: Nghiên cứu hợp tác lần thứ hai hệ thống Kurosio và các biển kế cận (CSK 2).

Đa dạng sinh học, sức khỏe của hệ sinh thái và an toàn thực phẩm: Bảo tồn rạn san hô; Rạn san hô dưới tác động của biến đổi khí hậu và con người; Phân loại DNA và giám sát sinh vật biển trong rạn san hô; Sử dụng phương pháp viễn thám lập bản đồ sinh cảnh vùng ven bờ; Các loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng; Bùng nổ tảo độc hại; Sinh vật biển có độc và an toàn thực phẩm biển.

Nâng cao tri thức về các vấn đề cấp bách của khoa học đại dương: Phân bố sứa độc hại; Phát triển công nghệ năng lượng tái tạo biển.

Phát triển năng lực về khoa học, quan trắc và dịch vụ biển: Tiếp cận của IOC/WESTPAC với sự phát triển năng lực trên cơ sở chiến lược về phát triển năng lực của IOC giai đoạn 2015-2021; Phát triển mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, huấn luyện của IOC khu vực; Trung tâm nghiên cứu, đào tạo của IOC khu vực về động lực và khí hậu biển (RTRC-ODC); Trung tâm nghiên cứu, đào tạo của IOC khu vực về đa dạng sinh học và sức khỏe của hệ sinh thái (RTRC- Mar BEST).

Các đề nghị, khuyến cáo của nhóm chuyên gia cho WESTPAC về việc triển khai các chương trình, đề tài và nội dung của các nhóm làm việc trong giai đoạn từ 5/2015-4/2017.

Nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách hiện nay trong khu vực, Phiên họp cũng đã thông qua các chương trình, dự án mới bao gồm: Sự phân bố, nguồn, thay đổi và tác động của Microplastics trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Thành lập nhóm làm việc nghiên cứu hình thành dự án: Nghiên cứu lớp ôxy thấp và cực tiểu trong biển và đại dương của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (WESTPAC O2NE); Thành lập nhóm làm việc nghiên cứu hình thành dự án: Sự trao đổi vật chất và năng lượng giữa lục địa và biển khơi.

Phiên họp cũng thảo luận đánh giá kết quả hợp tác với các tổ chức và chương trình khác như Hợp tác UN – NOWPAP; Hợp tác với CLIVAR; Chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với IOC/AFRICA và thảo luận về kế hoạch và dự kiến kinh phí hoạt động của WESTPAC giai đoạn từ 4/2017-5/2019.

Về công tác hành chính và quản lý, Phiên họp đã đề cử và bầu ban lãnh đạo của IOC/WESTPAC nhiệm kỳ 2017-2019. Căn cứ vào quy chế của IOC và IOC/WESTPAC, Phiên họp đã đề cử Ban lãnh đạo mới bao gồm một Chủ tịch và ba Phó chủ tịch (thêm một Phó chủ tịch so với các nhiệm kỳ trước đây). Sau khi thảo luận và đi đến thống nhất, Phiên họp đã bầu được Ban lãnh đạo mới bao gồm:

- Chủ tịch: PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn (Phó chủ tịch IOC/WESTPAC hai nhiệm kỳ 2013-2015 và 2015-2017), Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa Học Công nghệ Việt Nam;

- Phó chủ tịch: GS. Fangli Qiao, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học số 1, SOA (Trung Quốc); GS. Zainal Arifin, Viện trưởng Viện Khoa học Indonesia (Indonesia); TS. Ken-Taro Ando, Cục Khoa học - Công nghệ Trái đất và Biển Nhật Bản (Nhật Bản).
Phiên họp đã thống nhất Hội nghị Khoa học Quốc tế lần thứ XI của IOC/WESTPAC sẽ được tổ chức tại Indonesia vào 2019, và Phiên họp lần thứ XII của IOC/WESTPAC sẽ được tổ chức tại Philippine vào 2019 sau khi có sự bàn bạc thống nhất và làm các thủ tục cần thiết với các cấp có thẩm quyền.

Phiên họp cũng đã thảo luận về việc xuất bản cuốn sách biên niên sử IOC/WESTPAC nhân kỷ niệm 25 năm thành lập.

Một số hình ảnh của đoàn Việt Nam tại Phiên họp:

Long Tuan Sess 01 Long Tuan Sess 02