category category Tin tức

Khóa đào tạo của IOC/UNESCO-ODC về “Phát triển mô hình kết hợp trong hải dương học qui mô vùng” đã được tổ chức thành công tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Khu vực của IOC/UNESCO về Động lực học biển và Khí hậu, Thanh Đảo, Trung Quốc, từ ngày 12-23 tháng 6 năm 2017. Đây là khóa đào tạo lần thứ 7 của Trung tâm từ khi thành lập đến nay.

group photo at ODC training

7 Giáo sư từ các nước Ý, Đức, Ukraina, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã được mời thỉnh giảng trong khóa đào tạo. Đã có 36 học viên từ 16 nước bao gồm Bangladesh, Indonesia, Iran, Hàn Quốc, Malaysia, Nigeria, Pakistan, Peru, Philippines, Nga, Rwanda, Thái Lan, Triều Tiên, Trung Quốc, Tunisia và Việt Nam đã tham dự khóa đào tạo.

Nội dung của khóa đào tạo bao gồm các bài giảng, thực hành và báo cáo về:

  1. Phát triển và thiết lập mô hình hải dương qui mô vùng: các vấn đề liên quan đến mô hình hoàn lưu hải dương qui mô vùng và thực hành một số công cụ hỗ trợ thiết lập và chạy mô hình;
  2. Mô hình hoàn lưu đại dương và sự nhiễu động trong khối nước. Thực hành mô phỏng sự nhiễu động do bão gây ra trong điều kiện thực;
  3. Vận chuyển trầm tích và chất ô nhiễm;
  4. Mô hình kết hợp giữa sinh học - thủy động lực và trầm tích qui mô vùng;
  5. Các tính chất vật lý và những nguyên tắc cơ bản trong mô hình hải dương vùng;
  6. Mô hình hoàn lưu đại dương và hệ sinh thái trong vùng biển Đông Nam Á;
  7. Sự phát triển mô hình đại dương và ứng dụng dựa trên mô hình đại dương - biển băng bằng phương pháp phần tử hữu hạn;
  8. Lịch sử phát triển của mô hình sóng mặt;
  9. Phân tích sóng quan trắc và kết quả từ mô hình số trị;
  10. Lý thuyết tương tác sóng - thủy triều - dòng chảy và ứng dụng trong mô hình đại dương qui mô vùng. Thực hành mô hình sóng mặt và sóng gây xáo trộn;
  11. Báo cáo của các học viên và các nhóm về các kiến thức nhận được trong quá trình tập huấn và trình bày khả năng hợp tác nghiên cứu khoa học;

Kết thúc khóa đào tạo, các học viên đã thu được những kết quả cụ thể như:

  • Có được các kiến thức khoa học cơ bản về sự phát triển mô hình kết hợp trong hải dương học qui mô vùng.
  • Tiếp cận các mô hình trong nghiên cứu biển qui mô vùng và bước đầu áp dụng được một số các mô hình như POM (mô hình đại dương Princeton), TIMCOM (mô hình đại dương cộng đồng đa qui mô Đài Loan), FESOM (mô hình đại dương - biển băng bằng phương pháp phần tử hữu hạn),...
  • Có được kiến thức về thành nhiễu động của khối nước và tham số nhiễu động trong phương trình “không - thủy tĩnh học” của khối nước nén được; về mô hình kết hợp giữa sinh học - thủy động lực và trầm tích qui mô vùng; về sự tương tác của sóng mặt đến lớp xáo trộn bề mặt đại dương; phân tích sóng quan trắc và kết quả từ mô hình số trị.
  • Tăng cường các kỹ năng làm việc, thuyết trình cá nhân và kỹ năng làm việc trong nhóm.

group discussion

Thảo luận nhóm và trình bày báo cáo của các học viên

Các học viên hoàn thành khóa học được cấp bằng chứng nhận. Có 3 học viên được lựa chọn và trao chứng nhận là học viên xuất sắc nhất bao gồm: TS. Suriyan Saramul (Đại học Chulalongkorn, Tháin Lan), ThS. Tô Duy Thái (Viện Hải dương học, Việt Nam) và Pavel Kharlamov (Viện Nghiên cứu Khí tượng Thủy văn khu vực Viễn Đông, Nga).

best trainee awards

Trao chứng nhận học viên xuất sắc nhất

Nhằm nâng cao kỹ năng cho các học viên trong việc sử dụng các mô hình hải dương qui mô vùng, các học viên đã được thực hành nhiều hơn sau mỗi bài học. Dựa trên những kinh nghiệm rút ra từ những khóa đào tạo trước đây, nhiều hoạt động như báo cáo của học viên, thảo luận nhóm và báo cáo nhóm đã được liên tục thực hiện. Cho tới nay, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Khu vực của IOC/UNESCO về Động lực học biển và Khí hậu đã tổ chức được các khóa đào tạo cho tổng cộng 312 học viên từ 33 quốc gia trong thời gian 7 năm. Những cố gắng của Trung tâm nhằm đóng góp cho việc nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên và nâng cao ảnh hưởng của nước chủ nhà trong lĩnh vực nghiên cứu hải dương học và khí hậu.