category category Tin tức

Từ ngày 16-19/07/2019 Hội nghị Khoa học Quốc tế lần thứ 26 của Tổ chức quốc tế Khoa học và Công nghệ Biển Khu vực Thái Bình Dương đã được tổ chức tại thành phố Vladivostok – Cộng hòa Liên bang Nga dưới sự tài trợ của các cơ quan khoa học Nga.

Tham dự hội nghị có 262 đại biểu đến từ 10 quốc gia. Đoàn Việt Nam có 04 đại biểu tham dự (từ Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam/VAST gồm Viện Hải dương Học, Viện Địa chất Địa vật lý Biển, Viện Hóa sinh Biển, Ban Hợp tác Quốc tế).

Pacon 2019 phien toan the

Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị Quốc tế lần thứ 26 - PACON 2019

Thông tin chung giới thiệu về PACON

PACON (Pacific Congress on Marine Science and Technology) là Tổ chức quốc tế Khoa học và Công nghệ biển Thái Bình Dương) tập hợp các nhà khoa học, kỹ sư, nhà công nghiệp, nhà hoạch định chính sách về biển nhằm chia sẻ các thành tựu về khoa học và công nghệ biển tiên tiến và các ứng dụng khoa học công nghệ biển.

Mục tiêu chính của PACON là cung cấp thông tin cho tất cả các quốc gia thành viên để thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên đại dương một cách hợp lý và nâng cao kiến thức KHCN biển trong các ngành khác nhau. PACON cung cấp một diễn đàn quốc tế cho các quốc gia và các quốc đảo khu vực Thái Bình Dương nhằm trao đổi thông tin, ý tưởng về khoa học, công nghệ có liên quan đến biển và đại dương.

PACON được thành lập từ 1984 và văn phòng chính đặt tại Hawaii. Các hội nghị khoa học của PACON được tổ chức định kỳ hàng năm (từ 1992-2008) tuy nhiên trong một số giai đoạn hội nghị được tổ chức 02 năm một lần (1984-1992 và từ 2010-2019).

Từ khi thành lập 1984 tới nay PACON đã tiến hành 26 hội nghị Quốc tế tại Mỹ 11 lần (Hawai 10 lần, 01 lần tại California) tại Nhật (03 lần) , tại Trung Quốc (03 lần), tại Nga (02 lần), tại Úc, Đài Loan, Hàn Quốc, Myanmar, mỗi nước 01 lần.

Chủ tịch hiện nay của PACON là Ts. Lobanov V. B. - Viện trưởng Viện Hải dương Học Thái Bình Dương Il’iChev V.I. (V.I. Il’ichev Pacific Oceanological Institute - POI, FEB RAS).

Nội dung Hội nghị PACON 2019:

Mục tiêu xuyên suốt của hội nghị lần này là “Khoa học và công nghệ vì sự phát triển bền vững” hưởng ứng Nghị quyết của LHQ “Thập kỷ khoa học và công nghệ biển vì sự phát triển bền vững”.

Hội nghị PACON 2019 gồm 27 phiên họp chuyên đề với 13 báo cáo tại phiên toàn thể, 262 báo cáo thuyết trình và 46 báo cáo treo tường, với các nội dung khoa học:

o Động lực đại dương và khí hậu;
o Địa chất học biển và nguồn lợi địa chất;
o Môi trường và các hệ sinh thái Đại dương;
o Đại dương và sự bền vững cho cuộc sống con người;
o Công nghệ biển, các công trình biển và năng lượng tái tạo;
o Các thiết bị thăm dò đáy biển, rô bốt và âm học;
o Tai biến đại dương;
o Nghề cá và nuôi trồng thủy sản;
o Quan trắc đại dương .
o Kinh tế bền vững, hoạch định chính sách đại dương và giáo dục cộng đồng.

Một số vấn đề nổi bật qua các báo cáo:

Các vấn đề về nghiên cứu cơ bản về khoa học biển: Các vấn đề mới trong việc mô phỏng, mô hình hóa các quá trình hải dương học (động lực học, môi trường biển…).

Các thành tựu và các thách thức mới trong nghiên cứu sinh học biển sâu vùng Tây bắc Thái Bình Dương. Nhờ triển khai các phương pháp mới và thiết bị nghiên cứu hiện đại các nhà khoa học Nga (FEBRAS ) đã phát hiện thêm các loài mới từ 2014 tới nay, chiếm 70% tổng số loài sinh vật vùng biển sâu (nghiên cứu từ trước tới nay) tại các độ sâu lớn hơn 1000m ở khu vực Tây bắc Thái Bình Dương.

Các tài nguyên địa chất khu vực Tây Thái Bình Dương đặc biệt là khoáng sản kết hạch, băng cháy (Hydrat ) …

Các kết quả hợp tác trong khảo sát, nghiên cứu biển trong khu vực, và các thành tựu đạt được trong việc chế tạo thiết bị, nghiên cứu các công nghệ mới khảo sát đáy biển sâu.

Về chiến lược, chính sách trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN biển tại một số quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương nhằm ứng phó các thách thức hiện nay và trong thập kỷ sắp tới đã có nhiều thay đổi. Điển hình trong khu vực Đông Nam Á, tại Indonesia từ sau năm 2014 số lượng các trường đại học có khoa KHCN biển tăng từ 44 trường lên 88 trường và sau năm 2020 sẽ có thêm 2 tàu nghiên cứu khảo sát biển mới (có trọng tải trên 1.000 tấn) nâng tổng số tàu nghiên cứu khảo sát biển của Indonesia lên thành 8 tàu.

Song song với các phiên họp chính thức, tại các sự kiện bên lề, các hội nghị bàn tròn các đại biểu đã trao đổi, góp ý cho các định hướng phát triển trong tương lai của PACON về cơ cấu tổ chức, nội dung hoạt động, hợp tác.

Đoàn Việt Nam đã tham gia trình bày các báo cáo về tai biến đại dương, tích cực tham gia đóng góp các ý kiến ở các phiên họp toàn thể, các phiên họp chuyên đề về: động lực đại dương và khí hậu, địa chất học biển và nguồn lợi địa chất, môi trường và các hệ sinh thái đại dương, công nghệ đại dương, các công trình biển và năng lượng tái tạo … và hội nghị bàn tròn PACON 2019 .

Pacon 2019 doan VN

Báo cáo của đại biểu Việt Nam về tai biến thiên nhiên biển

 

(Cung cấp tin PGS. TS. Bùi Hồng Long)