category category Tin tức

Hội nghị khu vực Bắc Thái Bình Dương và Tây Thái Bình Dương Hướng Đến Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên Hợp Quốc Vì Sự Phát triển Bền vững (2021-2030) đã diễn ra từ ngày 31/07 đến 02/08/2019 tại Tokyo. Hội nghị được tổ chức với sự phối hợp giữa Tiểu ban Hải dương học Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC), Tổ chức Khoa học biển Bắc Thái Bình Dương (PICES), Ủy ban Quốc gia IOC/UNESCO Nhật Bản, Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển - Trái đất Nhật Bản (JAMSTEC), Đại học Tokyo Nhật Bản, và các đối tác khác trong khu vực. Cơ quan tài trợ chính cho Hội nghị là Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT).

Logo IOC thap ky dai duong

Hội nghị Lập Kế hoạch Khu vực này đã nhận được sự quan tâm của hơn 160 đại biểu đến từ 18 quốc gia, bao gồm các nhà hoạch định chính sách và quản lý biển, các nhà khoa học và công nghệ biển, các nhà doanh nghiệp và công nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan/chương trình liên chính phủ và quốc tế.

Photo group 1

Toàn thể đại biểu tham dự hội nghị

Sau ba ngày thảo luận, Hội nghị đã thống nhất các hướng ưu tiên và yêu cầu cụ thể của khu vực nhằm tạo tiền đề cho các kế hoạch hành động triển khai Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên Hợp Quốc về Phát triển Bền vững.

Tong thu ky IOC phat bieu 1

Ông Vladimir Ryabinin - Thư ký điều hành IOC/UNESCO - phát biểu trực tuyến

Hội nghị đã lập diễn đàn đối thoại giữa các bên liên quan khác nhau trong khu vực, tập trung vào việc hợp tác phát triển các chiến lược nghiên cứu theo hướng tìm giải pháp để giải quyết sáu vấn đề chính mà xã hội mong đợi:

o Một Đại dương không ô nhiễm;
o Một Đại dương lành mạnh và thích ứng;
o Một Đại dương với các biến đổi được dự báo;
o Một Đại dương an toàn cho tất cả;
o Một Đại dương giàu có và được khai thác bền vững;
o Một Đại dương minh bạch và dễ tiếp cận.

Dr. Tuan phat bieu 1

PGS. TS. Võ Sĩ Tuấn – Chủ tịch IOC/WESTPAC phát biểu tại hội nghị

Hội thảo có hai phiên toàn thể và sáu phiên chuyên đề. Ngoài phiên họp toàn thể thông tin về kết quả chính của Hội nghị Kế hoạch Toàn cầu lần thứ nhất (13-15/05/2019, tại Đan Mạch), các đại biểu đã chia thành sáu nhóm làm việc thảo luận về các vấn đề: Lỗ hổng kiến thức và hướng khoa học ưu tiên trong khu vực cần được giải quyết để đạt được sáu kết quả xã hội; Các sáng kiến, chương trình và/hoặc quan hệ đối tác quốc tế hiện có, năng lực trong việc giải quyết các lỗ hổng kiến thức và các hướng khoa học ưu tiên; Nội dung chính của các chủ đề xuyên suốt trong Thập kỷ, cũng như phát triển năng lực và chuyển giao khoa học công nghệ biển, quan hệ đối tác và tài chính, chia sẻ dữ liệu, thông tin và kiến thức, truyền thông và nhận thức.

Hội nghị Lập Kế hoạch Khu vực đánh dấu mốc khởi đầu cho tất cả các cá nhân, tổ chức và quốc gia trong khu vực xem xét các kế hoạch hành động khoa học của mình và hợp tác nỗ lực để đạt được các mục tiêu thập kỷ. Các ý kiến đóng góp và khuyến nghị có giá trị tại các phiên thảo luận sẽ được tích hợp vào kế hoạch hành động và kế hoạch hoạt động khoa học toàn cầu trong khuôn khổ Chương trình Thập kỷ.

Chương trình Thập kỷ Khoa học Đại dương Vì Sự Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (2021-2030), được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) tuyên bố vào tháng 12 năm 2017, nhằm mục đích nỗ lực hỗ trợ với quyết tâm đảo ngược chu kỳ suy giảm sức khỏe đại dương và tập hợp các bên liên quan đến đại dương trên toàn thế giới vào khuôn khổ hành động khoa học biển, và có thể hỗ trợ đầy đủ cho các quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030.

Khu Thái Bình Dương là khu vực đông dân nhất thế giới với dân số hơn ba tỷ người. Các hoạt động kinh tế xã hội của con người đều gắn bó chặt chẽ với đại dương, đã gây những tác động lớn đến vùng ven biển và các hệ sinh thái biển xung quanh. Các vấn đề phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên không bền vững, ô nhiễm trên đất liền và gây suy thoái môi trường sống đang đe dọa năng suất và sức khỏe của đại dương.

Khoa học và công nghệ biển là một trong những động lực chính cho sự phát triển kinh tế xã hội. Cùng với việc xây dựng chính sách, giáo dục, truyền thông cộng đồng và sự tham gia của khu vực tư nhânsẽ giúp các nhà khoa học xác định chính xác các hành động hiệu quả nhất và tạo ra các giải pháp mới giải quyết được vấn đề.

(Nguồn IOC/WESTPAC)