Ủy ban IOC/UNESCO đã tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập vào ngày 14 tháng 12 năm 2020, nhằm ghi nhận sự nỗ lực hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học biển, từ một Ủy ban Hải dương trực thuộc UNESCO đã phát triển thành Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC) với 150 quốc gia thành viên tham gia.
Khởi đầu của IOC/UNESCO
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, một số quốc gia đã chủ trương chia sẻ kiến thức về nghiên cứu hải dương học trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, phải đến tháng 12 năm 1960, Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của UNESCO - cơ quan đầu tiên chịu trách nhiệm tăng cường hợp tác liên chính phủ trong lĩnh vực khoa học biển - mới được thành lập (tên tổ chức tiếng Anh là The Intergovernmental Oceanographic Commission of UNESCO, viết tắt là IOC/UNESCO).
Ông Jens Boel - Một nhà sử học Đan Mạch, Trưởng phòng lưu trữ của UNESCO từ 1995 đến 2017, ông đã khởi xướng Dự án Lịch sử UNESCO/UNESCO History Projec vào năm 2004, để khuyến khích việc khai thác sử dụng các tài liệu lưu trữ tại UNESCO. Sau dự án, cuốn sách của Boel với nhan đề Khám phá Đại dương, viết về lịch sử của IOC, sẽ được xuất bản vào năm 2022.
Từ năm 1959 đến năm 1965, đã có bốn mươi lăm tàu nghiên cứu biển của mười bốn quốc gia đã khám phá Ấn Độ Dương. Các tập atlat, bản đồ và các báo cáo nghiên cứu khoa học tổng hợp được từ các chuyến khảo sát này đã tạo ra một cuộc cách mạng về kiến thức địa chất, địa vật lý và sinh vật biển của vùng biển Ấn Độ Dương. Các nhà khoa học đã hiểu rõ hơn về chế độ gió mùa và các ảnh hưởng của của nó đối với đại dương, đồng thời phát hiện ra các nguồn thực phẩm biển và mỏ khoáng sản ở đại dương. Các chuyến khảo sát là nền tảng cho phép các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Thái Lan xây dựng hoặc mở rộng cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học biển của họ. Chuyến khảo sát Ấn Độ Dương The International Indian Ocean Expedition (IIOE) vào thời kỳ này được đánh giá là chuyến là chuyến khảo sát đại dương lớn nhất từng được thực hiện.
Chia sẻ kiến thức
Hành trình hướng tới việc thành lập IOC là một chặng đường dài. Ngay tại phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng UNESCO vào tháng 11 năm 1946, Ấn Độ đã đề xuất thành lập một viện hải dương học và nghề cá để nghiên cứu Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, sáng kiến chính sách đầu tiên để UNESCO đưa các hoạt động khoa học biển vào chương trình nghị sự của mình đến từ Nhật Bản. Năm 1952, Nhật Bản đã trình dự thảo nghị quyết với mục đích kêu gọi UNESCO thúc đẩy hợp tác quốc tế về hải dương học. Điều này được thực hiện với mục tiêu tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên biển - thủy sản, khoáng sản và năng lượng – hợp tác nghiên cứu “tạo nền tảng cho sự chung sống hòa bình của toàn nhân loại”.
Lần đầu tiên khoa học đại dương lại được đề cao trong chương trình nghị sự quốc tế
Đề xuất đã được hoan nghênh, nhưng không dẫn đến bất kỳ cam kết đáng kể nào từ phía UNESCO. Bước đột phá đến vào kỳ họp tiếp theo của Đại hội đồng vào năm 1954, khi Nhật Bản một lần nữa đề xuất rằng UNESCO nên khởi động một chương trình khoa học biển tầm quốc tế.
Năm Quốc tế Địa vật lý (IGY), từ tháng 7 năm 1957 đến tháng 12 năm 1958, đã khởi nguồn động lực dẫn đến việc thành lập IOC. Trong thời gian này, IGY đã hình thành khuôn khổ cho một loạt các hoạt động địa vật lý toàn cầu.
Sự kiện nổi nhất là việc Liên Xô phóng thành công tên lửa Sputnik I, vệ tinh nhân tạo đầu tiên, nhưng IGY cũng thu hút sự quan tâm đáng kể của cộng đồng quốc tế đối với các dự án hải dương học.
Mối quan tâm này được thúc đẩy bởi nhiều động lực - đặc biệt là sự quan tâm của các nhà khoa học biển đến hiện tượng sóng, dòng chảy và thủy triều; lo ngại về vấn đề ô nhiễm phóng xạ; tìm kiếm các nguồn lợi thủy sản và các nguồn tài nguyên khác trong đại dương; mong muốn khám phá đáy biển sâu và hiểu được mối tương tác giữa đại dương và khí quyển. Ý tưởng thu thập và chia sẻ dữ liệu đại dương trên quy mô toàn cầu về tất cả các vấn đề nêu trên đang dần có cơ sở.
Vào tháng 7 năm 1960, UNESCO đã triệu tập một Hội nghị hải dương học ở Copenhagen, Đan Mạch. Đại diện các phái đoàn đến từ ba mươi lăm quốc gia đã tụ họp, cùng với đại diện của các cơ quan của Liên hợp quốc, và các tổ chức quốc tế. Tất cả đều nhất trí khuyến nghị UNESCO thành lập một cơ quan liên chính phủ để thúc đẩy các hoạt động khoa học, khảo sát điều tra nghiên cứu đại dương. Đề nghị được Đại hội đồng UNESCO chấp nhận vào tháng 12 năm 1960, đây là lần đầu tiên khoa học đại dương lại có vị trí cao trong chương trình nghị sự chính trị quốc tế.
Từ ý tưởng đến hành động
Trong suốt 60 năm qua, IOC/UNESCO đã có 150 quốc gia thành viên, IOC đã dần dần định hướng trọng tâm hoạt động hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thành lập Hệ thống Quan sát Đại dương toàn cầu (the Global Ocean Observing System - GOOS) vào năm 1991; Nghiên cứu và chia sẻ kiến thức về tất cả các chủ đề liên quan đến khoa học đại dương, Báo cáo Khoa học Đại dương Toàn cầu (The Global Ocean Science Report), là nhiệm vụ chính của IOC.
Chương trình Trao đổi Thông tin và Dữ liệu Hải dương Quốc tế (IODE là chương trình nền tảng của IOC được thành lập vào năm 1961. Trong số các dự án của IODE, Hệ thống Thông tin Đa dạng Sinh học Đại dương (OBIS) được thành lập vào năm 2009.
Một chương trình trọng điểm khác trong các hoạt động của IOC là Hệ thống Cảnh báo và Giảm nhẹ Sóng thần Thái Bình Dương (PTWS) thành lập vào năm 1965 với mục tiêu là cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu thiên tai do sóng thần gây ra, để cứu sống nhiều người. Đến nay PTWS đã trở thành mô hình dự báo cho các cho các khu vực có ảnh hưởng bởi sóng thần như Ấn Độ Dương, Caribe, Đông Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.
IOC đã khởi xướng và lãnh đạo Chương trình Thập kỷ Quốc tế Khám phá Đại dương (năm 1971-1980), nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học đại dương. Đến nay Ủy ban IOC tiếp tục dẫn đầu các hoạt động khoa học đại dương khi Liên Hợp Quốc công bố Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự Phát triển Bền vững từ năm 2021 đến năm 2030.
(Nguồn IOC/UNESCO)