Trong thời gian từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 9 năm 2017, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Khoa học vì sự tăng trưởng xanh ở Biển Đông”, nhằm tổng kết các kết quả và thành tựu nghiên cứu khoa học về Biển Đông trong thời gian qua, nâng cao kiến thức về khoa học biển và tăng cường hợp tác quốc tế hướng tới phát triển kinh tế biển xanh trong khu vực. Diễn đàn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Viện Hải dương học (14/9/1922 - 14/9/2017).
GS.TS. Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Diễn đàn đọc diễn văn khai mạc
Tham dự diễn đàn có trên 230 đại biểu, trong đó có 28 đại biểu quốc tế đến từ 11 nước và tổ chức quốc tế: Anh, Chile, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và IOC/WESTPAC.
PGS-TS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch WESTPAC phát biểu chào mừng Diễn đàn
Tham dự diễn đàn có trên 230 đại biểu, trong đó có 28 đại biểu quốc tế đến từ 11 nước và tổ chức quốc tế: Anh, Chile, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và IOC/WESTPAC.
Đã có gần 90 báo cáo nói và trên 50 báo cáo treo tường (poster) được trình bày trong diễn đàn.
Diễn đàn tập trung vào 3 chủ đề lớn là: Khoa học vì sự phát triển bền vững ở Biển Đông; Hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học trên Biển Đông; và Đào tạo nguồn nhân lực vì một Việt Nam mạnh về biển. Diễn đàn được thiết kế thành 6 tiểu ban bao gồm: Đa dạng sinh học và nguồn lợi biển; Sinh học biển và nuôi trồng hải sản; Tai biến và rủi ro môi trường; Các quá trình hải dương học và công trình biển; Địa chất và hóa học biển; Quản lý biển và đại dương.
Ngoài các báo cáo về kết quả nghiên cứu cơ bản về biển, ứng dụng các nghiên cứu cơ bản vào thực tiễn là những thế mạnh của Viện Hải dương học, nhiều vấn đề bức thiết tại Biển Đông và biển, đảo của Việt Nam cũng đã được các nhà khoa học và quản lý trong và ngoài Viện đề cập đến như: Đặc điểm tai biến thiên nhiên và rủi ro môi trường tại dải ven biển Việt Nam; Sự phát triển bền vững hệ thống đô thị ven biển của Việt Nam; Việc liên kết các bên liên quan nhằm phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ Việt Nam; Quản trị và phát triển kinh tế ở Biển Đông thích ứng với xu thế mới; Vai trò của việc hợp tác kinh tế ở Biển Đông hiện nay; Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản trị và phát triển kinh tế ở Biển Đông thích ứng với xu thế mới…
Diễn đàn là dịp để các nhà khoa học nhìn lại các hoạt động nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam và lân cận trong thời gian qua, đồng thời là nơi để các nhà khoa học và quản lý gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về các lĩnh vực khoa học biển, các vấn đề về môi trường biển, hợp tác quốc tế về khoa học biển và đào tạo nhân lực... Qua đó, giúp các nhà quản lý có cái nhìn tổng thể để có thể đề ra những chính sách quản lý, khai thác, phát triển biển, đảo theo hướng bền vững. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng xây dựng sự hợp tác nghiên cứu trên Biển Đông và cùng các doanh nghiệp, địa phương triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển nhằm đưa khoa học vào thực tiễn khai thác bền vững tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.