Ngày 22 tháng 11 năm 2017, Viện Hải dương học đã tổ chức Tọa đàm khoa học triển khai đề tài “Nghiên cứu một số quá trình tương tác Biển – Khí quyển – Lục địa và biến động môi trường ở Biển Đông với bối cảnh biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Chương trình IOC-WESTPAC” (Mã số: ĐTĐL.CN-28/17) với chủ đề “Tiếp cận khoa học: Các vấn đề liên quan đến quá trình tương tác Biển – Khí quyển – Lục địa và Axit hóa đại dương”.
Đây là đề tài độc lập cấp Nhà nước được phê duyệt thực hiện trong thời gian 42 tháng bắt đầu từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 3 năm 2021, với kinh phí trên 9 tỷ đồng và do Viện Hải dương học chủ trì, với sự phối hợp tham gia của các cơ quan khác như: Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ.
Mục tiêu tổng quát của đề tài là:
• Làm rõ một số quá trình tương tác Biển - Khí quyển - Lục địa và biến động môi trường ở Biển Đông với bối cảnh biến đổi khí hậu.
• Nâng cao năng lực và vị thế quốc tế của Việt Nam thông qua các hoạt động phối hợp với IOC và IOC/WESTPAC; góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông
Căn cứ các chương trình ưu tiên của IOC/WESTPAC và nhu cầu của Việt Nam, đề tài lựa chọn giải quyết các mục tiêu khoa học cụ thể như sau:
• Về tương tác Biển - Khí quyển - Lục địa, tập trung nghiên cứu biến động của các trường thủy văn, động lực trên Biển Đông trong mối quan hệ với các quá trình hải dương học Tây Thái bình dương và Ấn độ dương; tương tác của các khối khí trên Biển Đông với chế độ gió mùa và ảnh hưởng đến khí hậu lục địa; tác động của tương tác biển – khí đến khí tượng, thủy văn, động lực và gió mùa trên biển Đông, và tương tác biển - lục địa dưới sự thay đổi của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người ở biển Việt Nam
• Về biến động môi trường, hai vấn đề lớn được chú trọng, đặt trong bối cảnh đổi khí hậu, bao gồm: quy mô và biến động nước trồi trong mối quan hệ với nghề cá và môi trường trên Biển Đông; và axit hóa đại dương và tác động đối với đa dạng sinh học ở Biển Đông
• Thông qua các hoạt động phối hợp với IOC và IOC/WESTPAC, đề tài tranh thủ nguồn lực quốc tế, mở rộng qui mô nghiên cứu trên toàn Biển Đông, tăng cường sự hiện diện và hiểu biết hải dương học trên các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Việc khai thác nguồn lực quốc tế phục vụ 2 mục tiêu cụ thể sau:
- Tăng cường khai thác dữ liệu phục vụ các nội dung nghiên cứu và xây dựng cơ sở dữ liệu về các đặc trưng hải dương học trên Biển Đông
- Nâng cao năng lực nghiên cứu hải dương học của khoa học Việt Nam, chú trọng đối với vùng biển xa bờ, thông qua đào tạo trình độ cao, đào tạo chuyên đề và phối hợp nghiên cứu cũng như công bố khoa học trong và ngoài nước.
Dự kiến đề tài sẽ thực hiện một chuyến khảo sát tổng hợp bổ sung tại một số khu vực trên biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa trong năm 2018.
Đã có gần 30 đại biểu là các nhà khoa học, thành viên thực hiện đề tài tham dự. Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch WESTPAC, Chủ nhiệm đề tài đã giới thiệu các nội dung chính của đề tài như: mục tiêu, nội dung nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, tiến độ thực hiện, sản phẩm của đề tài và kinh phí thực hiện.
Toại đàm cũng đã được nghe phụ trách các hợp phần trình bày báo cáo về nội dung và phương pháp thực hiện, sản phẩm của hợp phần bao gồm:
Hợp phần chung: Khảo sát thực địa và thu thập dữ liệu lịch sử 30 năm trên Biển Đông
Hợp phần I. Tương tác Biển – Khí quyển – Lục địa trên Biển Đông
Hợp phần II. Quy mô và biến động nước trồi trong mối quan hệ với nghề cá và môi trường trên Biển Đông
Hợp phần III. Axit hóa đại dương và tác động đối với đa dạng sinh học ở Biển Đông
Hợp phần IV: Khai thác và xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến các nội dung nghiên cứu
Hợp phần V: Hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực nghiên cứu hải dương học