Hội thảo của WESTPAC về Phương thức thu mẫu và phân tích số liệu sứa độc trong khu vực Tây Thái Bình Dương được tổ chức tại Penang, Malaysia, từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 12 năm 2017 với sự tham gia của hơn 40 nhà khoa học từ 9 nước trong khu vực tham dự, trong đó có Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, đã ghi nhận sự phát triển bùng nổ của sứa độc trong khu vực gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế-xã hội và sức khỏe của con người. Nhận thức đây là một vấn đề nổi cộm, WESTPAC đã chính thức thông qua chương trình nghiên cứu sự phân bố của sứa độc trong khu vực tại Phiên họp lần thứ 11 của WESTPAC vừa được tổ chức tại Thanh Đảo, Trung Quốc vào tháng 4 năm 2017.
Những nội dung và kết quả chính của Hội thảo bao gồm:
- Giới thiệu về phương pháp thu mẫu sứa độc hại và một số tài liệu định loại sứa độc hại trong vùng biển Thái Bình Dương.
- Thực hành thu mẫu sứa độc hại và quan sát trong phòng thí nghiệm.
- Báo cáo của các nước về tình hình nghiên cứu sứa độc hại trong khu vực, trong đó các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan là các nước có sự đầu tư và quan tâm đến sứa độc hại nhất. Các quốc gia còn lại thì rất ít, riêng Việt Nam và Bangladesh là hai quốc gia còn trống trên bản đồ nghiên cứu về nhóm sinh vật này.
- Đề xuất hình thành mạng lưới các nhà khoa học khu vực Đông Nam Á qua đó mỗi năm sẽ có báo cáo về tình hình nghiên cứu sứa độc hại ở quốc gia của các thành viên nhằm thúc đẩy và hỗ trợ cho sự phát triển của nhóm.