Năm 2016: Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố “Đánh giá Đại dương Thế giới lần Thứ nhất”: Phần lớn các đại dương trên toàn thế giới hiện đang suy thoái nghiêm trọng, với những thay đổi và tổn thất về cấu trúc, chức năng của các hệ sinh thái biển.
Nhiều yếu tố gây áp lực lên các đại dương ngày càng tăng khi dân số thế giới tăng đến 9 tỷ người vào năm 2050 theo dự báo. Đại dương đang phải đối mặt với nhiều áp lực: biến đổi khí hậu, ô nhiễm biển, axit hóa đại dương do các hoạt động của con người gây ra làm suy thoái môi trường biển và ven biển, dẫn đến hủy diệt và biến mất một số loài sinh vật biển; ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của khoảng 500 triệu người dân sống ở các vùng ven biển trên toàn thế giới.
Tháng 12 năm 2017: LHQ đã tuyên bố “Thập kỷ Khoa học biển vì sự phát triển bền vững (giai đoạn 2021-2030)” hỗ trợ các nỗ lực nhằm đảo ngược chu kỳ suy giảm sức khỏe đại dương, với các nhiệm vụ:
- Cung cấp một khuôn khổ chung để đảm bảo rằng khoa học biển có thể hỗ các quốc gia triển khai Chương trình nghị sự LHQ 2030 vì sự phát triển bền vững; cung cấp cơ hội để tạo ra một nền tảng mới, trên giao diện chính sách khoa học, tăng cường quản lý các đại dương và bờ biển vì lợi ích hài hòa giữa môi trường và con người;
- Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ tiên tiến nhằm kết nối khoa học biển với nhu cầu phát triển của xã hội. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ của LHQ bảo vệ các đại dương và các nguồn tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện Công ước LHQ về luật biển và khung pháp lý về giảm thiểu rủi ro thiên tai;
- Kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan như các cơ quan chính phủ, các nhà khoa học, học giả, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân nhằm tạo ra những ý tưởng, giải pháp, quan hệ đối tác và chính sách mới đảm bảo hài hòa các lợi ích;
- Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC/UNESCO) là tổ chức được Đại hội đồng LHQ giao nhiệm vụ làm việc với tất cả các bên liên quan để thiết kế Chương trình Thập kỷ Khoa học biển nhằm hỗ trợ các nước đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự LHQ vào năm 2030.
Trọng tâm chính của IOC là hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng năng lực khoa học và thể chế cần thiết để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững 14 của LHQ (SDG 14): bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên biển và đại dương đến năm 2030, với các nhiệm vụ cụ thể:
- Tăng cường hợp tác toàn cầu về khoa học biển, nghiên cứu các tác động ảnh hưởng đến các đại dương và tìm kiếm các giải pháp bền vững nhằm duy trì các lợi ích của đại dương;
- Tăng cường nghiên cứu định lượng về các hệ sinh thái đại đương và đóng góp của đại dương đối với con người;
- Lập bản đồ đáy các đại dương và các nguồn tài nguyên đại dương để hỗ trợ việc quản lý bền vững các đại dương;
- Chia sẻ kiến thức, tăng cường năng lực nghiên cứu biển liên ngành, chuyển giao công nghệ biển, mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các quốc gia thành viên IOC, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các nước kém phát triển.
Xem thêm tài liệu: The Science we need for the ocean we want: the United Nations Decade of Ocean Science for Sustainable Development (2021-2030)
tại đường link https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000265198
(Nguồn IOC/UNESCO)