...Đại dương đang bị tác động, bị đe dọa từ các hoạt động trên đất liền và trên biển, khoảng 40% diện tích đại dương trên toàn cầu bị ảnh hưởng. Quá trình khử ôxy đang tạo ra các “vùng chết” ở đại dương, sự nở hoa của các loài tảo độc đang tạo ra những rủi ro đáng kể cho sức khỏe con người và thiệt hại kinh tế. Độ phủ của san hô sống tại các rạn san hô - nơi có sự đa dạng sinh học cao, nơi bảo vệ vùng ven biển, nơi tạo sinh kế cho con người, đã suy giảm gần một nửa trong 150 năm qua...
Sự ra đời của Thập kỷ Đại dương vì Sự phát triển bền vững (2021-2030)
Đời sống và sức khỏe của con người bao gồm cả sự phát triển kinh tế bền vững và công bằng xã hội phụ thuộc vào sức khỏe và sự an toàn của đại dương thế giới. Đại dương là nguồn cung cấp thực phẩm, các giá trị văn hóa, thẩm mỹ, giải trí và sinh kế cho hơn 3 tỷ người trên toàn cầu. Ngoài ra đại dương còn cung cấp các dịch vụ tiềm năng như năng lượng tái tạo, các nguồn gen sinh vật biển, khoáng sản biển sâu... Từ quan điểm kinh tế, đại dương có tầm quan trọng rất lớn, theo thống kê năm 2010, nền kinh tế đại dương đã tạo ra hơn 30 triệu việc làm trực tiếp, toàn thời gian. Trước đại dịch COVID-19, sản lượng kinh tế của đại dương được dự đoán sẽ đạt 3 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Bên cạnh những tiềm năng mà đại dương mang lại cho nhân loại, hiện nay đại dương đang đối mặt với những thách thức, những rủi ro lớn, các hệ sinh thái nhạy cảm trong đại dương phải hứng chịu do áp lực về tăng dân số và các vấn đề về ô nhiễm môi trường, hiện tượng axít hóa đại dương.
Nhận thức rõ những mối nguy cơ đối với đại dương trong thời gian gần đây, năm 2016, Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của UNESCO (IOC) đã khởi xướng ý tưởng về chiến lược phát triển kinh tế đại dương bền vững. Tháng 12 năm 2017, chiến lược này đã được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA), được đặt tên là Chương trình Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2021-2030 (gọi tắt là “THẬP KỶ ĐẠI DƯƠNG 2021-2030”). Cũng tại kỳ họp này, UNGA đã kêu gọi IOC chuẩn bị Kế hoạch thực hiện cho Thập kỷ Đại dương với sự tham vấn của các Quốc gia thành viên, các đối tác của Liên hợp quốc và các bên liên quan.
Thập kỷ Đại dương được chuẩn bị trong bối cảnh thế giới đang bị tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Đại dịch đã nêu bật tầm quan trọng của kiến thức khoa học đối với các quyết định và chính sách quản lý. Khi thế giới thích nghi với một bình thường mới, đại dương sẽ đóng một vai trò trung tâm trong các nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Hội đồng cấp cao về kinh tế đại dương đã kết luận, các khoản đầu tư bền vững vào đại dương có thể mang lại lợi ích lớn hơn ít nhất 5 lần so với chi phí đầu tư. Các giải pháp đầu tư như vậy sẽ mang lại lợi ích tối ưu khi được xây dựng dựa trên nền tảng khoa học, được đồng thiết kế và đồng chuyển giao bởi các bên liên quan. Thập kỷ Đại dương sẽ tạo sự thay đổi mô hình hợp tác trong việc thiết kế, cung cấp kiến thức định tính và định lượng về đại dương nhằm cung cấp các giải pháp góp phần vào Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững trên toàn cầu.
Thập kỷ Đại dương sẽ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện trong khuôn khổ pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Thập kỷ Đại dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập dữ liệu, thông tin và kiến thức cần thiết để chuyển tải ý tưởng từ 'Đại dương chúng ta có' sang ý tưởng 'Đại dương chúng ta mong muốn'. Bảy kết quả mô tả 'Đại dương chúng ta mong muốn' đạt được vào cuối Thập kỷ Đại dương, gồm:
1. Một đại dương trong sạch - nơi các nguồn ô nhiễm được xác định và giảm thiểu hoặc loại bỏ;
2. Một đại dương trong lành và bền vững - nơi các hệ sinh thái được hiểu rõ, bảo vệ, phục hồi và quản lý;
3. Một đại dương có năng suất cao - hỗ trợ cung cấp lương thực bền vững và phát triển kinh tế biển bền vững;
4. Một đại dương luôn được dự báo - nơi xã hội hiểu và có thể ứng phó trước các thách thức đang thay đổi trong đại dương;
5. Một đại dương an toàn - nơi có sự sống và sinh kế, con người được bảo vệ trước các mối nguy hiểm có liên quan đến đại dương;
6. Một đại dương minh bạch - nơi có thể tiếp cận các nguồn dữ liệu, thông tin và công nghệ mới với sự cởi mở và công bằng;
7. Một đại dương đầy cảm hứng và cuốn hút - nơi xã hội hiểu và coi trọng các nguồn lợi đại dương, nơi tạo ra phúc lợi và phát triển bền vững cho con người.
Tương tác với Chương trình Nghị sự 2030 và các chính sách có liên quan
Khung kế hoạch hành động
Các mục tiêu của Thập kỷ đại dương được thiết kế với sự hướng dẫn quy trình gồm 3 bước: (i) Xác định kiến thức đại dương cần thiết cho sự phát triển bền vững; (ii) Tạo ra CSDL, thông tin và kiến thức cho sự phát triển, sự hiểu biết toàn diện về đại dương, các thành phần của đại dương và các mối tương tác với đại dương; (iii) Sử dụng kiến thức và hiểu biết về đại dương để triển khai các giải pháp phát triển bền vững. Quá trình này đòi hỏi sự mở rộng đáng kể về năng lực KHCN biển như một phần không thể thiếu của mỗi bước để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình thực hiện Thập kỷ Đại dương. Các thách thức của Thập kỷ Đại dương được được phân tích và có các giải pháp phù hợp để thực thi các kế hoạch hoạt động của Thập kỷ và xác định những nơi cần hỗ trợ năng lực.
Mục tiêu 1: Xác định kiến thức cần thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực KHCN biển, cung cấp các nguồn dữ liệu và thông tin về biển. Mục tiêu này bao gồm các mục tiêu phụ liên quan đến việc đánh giá tổng hợp thường xuyên về hiện trạng của các đại dương và năng lực KHCN biển, thúc đẩy công nghệ mới và tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng trắc, và phát huy các sáng kiến khoa học trong cộng đồng, từ cấp độ địa phương.
Mục tiêu 2: Xây dựng năng lực và kiến thức, hiểu biết toàn diện về đại dương bao gồm các tương tác của con người với khí quyển và đại dương, các vùng biển lạnh, các vùng tương tác giữa biển và đất liền. Mục tiêu này bao gồm các mục tiêu phụ liên quan đến việc lập bản đồ và tăng cường kiến thức về các thành phần của đại dương, các thông tin về ngưỡng và điểm giới hạn của hệ thống đại dương, tăng cường sử dụng các nguồn thông tin CSDL mang tính lịch sử trong việc xây dựng các mô hình dịch vụ dự báo đại dương, đồng thời tăng cường nỗ lực trong giáo dục, đào tạo và chuyển giao KHCN biển.
Mục tiêu 3: Tăng cường sử dụng kiến thức khoa học, nâng cao sự hiểu biết về đại dương, đồng thời tăng cường phát triển tiềm lực KHCN biển đóng góp vào các giải pháp phát triển bền vững. Mục tiêu này bao gồm các mục tiêu phụ liên quan đến nâng cao hiểu biết về vai trò của khoa học đại dương trong phát triển bền vững, phát triển các nền tảng và dịch vụ dữ liệu có thể tương tác và truy cập mở, tạo điều kiện cho các giải pháp về đại dương được đồng thiết kế và đồng chuyển giao bao gồm lập kế hoạch, quản lý các công cụ và dịch vụ khác, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu và giáo dục về các vấn đề liên quan đến đại dương.
Các bên liên quan tham gia vào Thập kỷ Đại dương
Thập kỷ Đại dương giải quyết các nhóm thách thức
Các mốc thời gian của Chương trình Thập kỷ Đại dương
Việc giám sát và đánh giá quá trình thực hiện Chương trình Thập kỷ sẽ được báo cáo thường xuyên trong hệ thống của Liên hợp quốc. Các quy trình đánh giá được đề xuất và các mốc thời gian quan trọng cho Thập kỷ Đại dương sẽ được UBQG Chương trình Thập kỷ lên kế hoạch triển khai.
Kế hoạch hành động của Việt Nam
Dựa trên mục tiêu phát triển bền vững và nhiệm vụ chuẩn bị cho “Chương trình Thập kỷ Liên Hợp Quốc Khoa học biển vì Sự phát triển bền vững 2021-2030”, ngày 16/4/2021, tại Viện Hải dương học, Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ Việt Nam (IOC Việt Nam) đã tổ chức hội thảo “Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững - Hành động của IOC Việt Nam” dưới sự phối hợp chủ trì của Chủ tịch IOC Việt Nam, Tiểu Ban Khoa học Tự nhiên - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên Môi trường. Hội thảo đã thảo luận và đi đến thống nhất IOC Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành xây dựng Khung kế hoạch hành động Quốc gia trình Thủ tướng phê duyệt với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo vệ tài nguyên môi trường theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau khi thảo luận, các đại biểu thống nhất cao kế hoạch hành động hướng tới một đại dương sạch, khỏe mạnh, trong đó, các hệ sinh thái biển được lập bản đồ và bảo vệ, các tác động phức tạp, bao gồm cả biến đổi khí hậu, được đo lường và giảm thiểu, và việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái đại dương được duy trì. Các nội dung được quan tâm xây dựng trong Khung kế hoạch Hành động Quốc gia bao gồm:
Nội dung 1: IOC Việt Nam sẽ cung cấp thông tin liên quan Thập kỷ khoa học đại dương của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (2021-2030) theo các chủ đề, để hỗ trợ thông tin cho các nhà quản lý hoạch định chính sách về các vấn đề khoa học biển mới nổi mà các nhà khoa học biển trên thế giới đang quan tâm như: Các quá trình hải dương học và biến đổi khí hậu; Đa dạng sinh học biển, an toàn và an ninh môi trường biển; Sức khỏe các hệ sinh thái đại dương; Chu trình carbon xanh; Biển bị axít hóa; Hiện tượng suy giảm oxy trong đại dương; Rác thải nhựa và vi nhựa trong môi trường biển.
Nội dung 2: Tăng cường tư vấn khoa học, xây dựng CSDL, xây dựng các đề tài dự án về quản lý tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển nhằm đảm bảo các hệ sinh thái biển có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ thiết yếu như an toàn thực phẩm biển, điều hòa khí hậu, bảo vệ vùng ven biển, du lịch sinh thái biển… Trong đó, chú trọng bảo vệ hệ sinh thái biển và tuân thủ luật pháp quốc tế và bảo vệ lợi ích quốc gia về chủ quyền, tài nguyên, môi trường biển. Đây cũng là yếu tố quyết định cho phát triển kinh tế biển Việt Nam, và nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế.
Nội dung 3: Xây dựng một số hướng nghiên cứu điển hình thế mạnh của Việt Nam nhằm khẳng định vị trí khoa học của Việt Nam trong khu vực Tây Thái Bình dương thông qua việc thành lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo quốc tế về độc tố và an toàn thực phẩm biển, Nhóm làm việc quốc tế về hệ sinh thái rạn san hô, Trung tâm nghiên cứu nhựa và vi nhựa.
Nội dung 4: Tăng cường tính thực thi “Chương trình Thập kỷ Liên hiệp quốc về Khoa học biển vì sự Phát triển bền vững 2021-2030”, Kế hoạch hành động Quốc gia sẽ là hành lang pháp lý cho các nghiên cứu công nghệ liên quan đến biển cũng như quản lý các cấp nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu đảm bảo sự hài hòa giữa khai thác nguồn lợi và các dịch vụ biển, phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường biển có khả năng tái tạo, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ biển và quản lý vùng bờ.
Nội dung 5: Tăng cường truyền thông và giáo dục về môi trường biển đối với các tầng lớp xã hội.
Tài liệu tham khảo
IOC/UNESCO, 2021. The United Nations Decade of Ocean Science for Sustainable Development (2021-2030).
(Đào Việt Hà – Chủ tịch IOC Việt Nam, Đặng Thị Hải Yến – Viện Hải dương học)